Ngân hàng VPBank và ngân hàng Eximbank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.

Theo đó, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trung bình 0,2-0,3% tại tất cả các kỳ hạn. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 1 tháng đến 24 tháng niêm yết ở mức 3,1%/năm - 5,6%/năm.

Trong khi đó, Eximbank chỉ điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1-3 tháng với mức tăng trung bình 0,2%/năm.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online tại Eximbank ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tăng lần lượt lên mức 3,5%/năm, 3,7%/năm và 3,8%/năm.

Đây là lần thứ 2 Eximbank tăng lãi suất tiết kiệm. Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này niêm yết ở mức 5,2%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn gửi tiền từ 24-36 tháng.

Ngân hàng GPBank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm thêm 0,4%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Hiện, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-36 tháng đang dao động từ mức 3%/năm - 5,85%/năm.

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động - Ảnh 1.

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng. (Ảnh minh hoạ).

Tương tự, ngân hàng BVBank cũng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn với mức tăng cao nhất lên tới 0,75%/năm.

Ngân hàng Viet A Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình 0,1-0,2% tại tất cả các kỳ hạn.

Ngân hàng VIB tăng lãi suất trung bình 0,2%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm VIB đang dao động từ 3%/năm - 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 1-24 tháng.

Như vậy, có thể thấy, ở kỳ hạn 12 tháng, hiện đã có nhiều ngân hàng có mức lãi suất trên 5%/năm.

Có thể kể đến như ngân hàng GPBank (5,75%/năm), ABBank, BVBank và NCB (5,6%/năm), HDBank (5,5%/năm), MSB, Nam A Bank và OceanBank (5,4%/năm),...

Nhìn nhận về làn sóng tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây, giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá, góp phần thu hút tiền gửi vào ngân hàng, tránh tình trạng đầu cơ vàng...

Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đơn vị này nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên, từ đó tăng nhu cầu huy động

Với mức tăng kỳ vọng như trên chúng tôi cho rằng đây là nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn nhưng chưa xác lập xu hướng tăng lãi suất mạnh trở lại như giai đoạn 2022-2023, trừ khi tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại ”, chuyên gia KBSV đánh giá.

MBS Research dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay lại mức 5,1 - 5,3% trong nửa sau năm 2024.

Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.