Bắt đầu từ sáng sớm hôm nay (6/11), không khí nhiều nơi ở Hà Nội và một số khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình... bị ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Theo đó, các chỉ số đo tại một số trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy nhiều điểm quan trắc Bắc Bộ có màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.

Đến đầu giờ chiều nay, các chỉ số đo trên các trang này vẫn không có nhiều thay đổi, thậm chí còn tăng các khu vực quan trắc có màu tím và thêm điểm màu nâu - là khu vực có mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe của người dân.

Nhiều ngày tới sẽ ô nhiễm không khí rất hại cho sức khỏe - Ảnh 1.

Các chỉ số không khí ở các khu vực Hà Nội trên trang PAM Air lúc đầu giờ chiều 6/11.

Nguyên nhân nào khiến không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc lại trở nên ô nhiễm như ngày hôm nay? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu?

Để có câu trả lời cho các câu hỏi này, PV Infonet đã tham vấn ý kiến của TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Ông Tùng cho biết, chỉ số chất lượng không khí ở nước ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chứ thời tiết không phải nguyên nhân. Mùa này không thuận lợi cho việc khuếch tán không khí, trong khi đó các nguồn ô nhiễm vẫn chưa có biện pháp ngắn hạn như nguồn giao thông, sản xuất, xây dựng... Vì thế, có những ngày không khí hơi nặng không khuếch tán lên trên, gió lại lặng nên không khí không bay đi được, cứ 'lưu cữu' trong vùng đó.

Nhiều ngày tới sẽ ô nhiễm không khí rất hại cho sức khỏe - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ còn những ngày ô nhiễm không khí rất nặng nề. (Ảnh: Báo đầu tư)

“Tôi theo dõi từ hôm qua đến hôm nay thì các chỉ số cứ tăng dần và đến rạng sáng nay vẫn tiếp tục tăng đến ngưỡng màu tím. Cũng phải chuẩn bị tư tưởng mấy tháng tới sẽ có nhiều ngày không khí như vậy. Mọi năm cũng thế. Vì vậy, mọi người cần biết để tránh”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, từ tháng 11/2020 đến tháng 3-4/2021, sẽ có nhiều ngày không khí ô nhiễm nặng kiểu này, tức là chỉ số chất lượng không khí AQI sẽ có màu đỏ, thậm chí là màu tím. Mùa hè sẽ đỡ hơn vì có nắng to và gió để không khí khuếch tán.

“Vài năm nay, cũng đã có một số giải pháp để giảm nguồn ô nhiễm như kiểm soát sản xuất, giao thông, xây dựng... Thế nhưng dù có chính sách nhưng thực tế chưa triển khai được nhiều. Nhất là ở những đô thị như Hà Nội các phương tiện ô tô, xe máy rất nhiều; trong khi đó xe máy chưa kiểm soát khí thải”, ông Tùng cho biết thêm.

Ông Tùng hy vọng tới đây khi có một số tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội vận hành sẽ giảm tải được phương tiện cá nhân. Thành phố cũng cần tăng cường các tuyến xe buýt chạy bằng nguyên liệu sạch, hiện nay vẫn còn nhiều xe buýt ở Hà Nội chạy bằng dầu diesel khói mù mịt...

Thêm nữa, Hà Nội cần làm sạch đường phố, kiểm tra các công trình xây dựng bởi nhiều công trình xây dựng gây bụi mù trên đường nhưng không có ai quản lý. Đặc biệt là hiện vẫn còn nhiều nơi đốt rác gây khói và mùi.

Đặc điểm của ô nhiễm không khí là không biên giới, do đó cần kết hợp với các địa phương khác để kiểm tra, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm.

Nhiều ngày tới sẽ ô nhiễm không khí rất hại cho sức khỏe - Ảnh 4.

Không chỉ Hà Nội mà một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình... không khí đang bị ô nhiễm. (Ảnh chụp trên trang PAM Air lúc đầu giờ chiều 6/11).

Để hạn chế được nguy hại trong những ngày không khí ô nhiễm, ông Tùng khuyên người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về các chỉ số không khí. Những ngày chỉ số không khí cao thì hạn chế ra ngoài, nếu buộc phải ra ngoài thì cần đeo khẩu trang.

“Có những buổi sáng rất ô nhiễm, người dân nên cân nhắc có nên tập thể dục ngay lúc đó hay không. Còn với những người bắt buộc phải làm việc ở ngoài trời thì cần hết sức cẩn thận, đeo khẩu trang kín để phòng tránh. Người già, trẻ em cần hạn chế ra ngoài trong những ngày ô nhiễm không khí để tránh bị những bệnh về đường hô hấp”, ông Tùng khuyến cáo.

Cũng theo ông Tùng, hiện nay chúng ta chưa làm được công tác dự báo ô nhiễm không khí như dự báo thời tiết. Công tác này rất khó, đòi hỏi công sức, số liệu, có nhiều trạm đo và kết hợp với công tác dự báo thời tiết thì mới có thể làm được.

“Chúng tôi muốn làm từ lâu rồi nhưng hiện vẫn chưa thể làm được”, ông Tùng cho hay.