Ma túy đẩy sự nghiệp của nghệ sĩ xuống vực thẳm

Mới đây, Chi Dân và Andrea Aybar (An Tây) gây chú ý khi cả hai bị nghi liên quan đến ma túy.

Andrea Aybar, người mẫu kiêm diễn viên, nổi tiếng với cái tên An Tây, đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an TP.HCM điều tra vì có liên quan đến hành vi sử dụng ma túy. Ngoài Andrea, một số người khác cũng bị triệu tập để làm rõ vụ việc.

Cùng thời điểm, ca sĩ Chi Dân cũng bị Công an quận Tân Bình phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra vì nghi ngờ liên quan đến ma túy. Trước đó, tối 9/11, hình ảnh Chi Dân xuất hiện trên mạng xã hội với chiếc que kiểm tra ma túy đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc anh bị bắt khi sử dụng chất cấm. Nguồn tin riêng cho hay, Chi Dân đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện có dấu hiệu liên quan đến ma túy tại một địa chỉ ở quận Tân Bình.

Tuy nhiên, hiện tại công an vẫn đang mở rộng điều tra và chưa công bố kết quả xử lý chính thức.

Nhiều nghệ sĩ bị điều tra, mức xử phạt đối với trường hợp liên quan đến ma túy như thế nào? - Ảnh 1.

Thông tin Chi Dân và Andrea bị tạm giữ vì nghi liên quan đến ma túy nhận nhiều sự quan tâm của công chúng.

Trong những năm qua, nhiều nghệ sĩ Việt đã vướng vào bê bối sử dụng ma túy, khiến sự nghiệp của họ lao dốc. Ca sĩ Chu Bin bị tạm giữ vào tháng 6 vì hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy và mặc dù sau đó được thả, hình ảnh của anh đã bị tổn hại nghiêm trọng. Nhikolai Đinh, người mẫu nổi tiếng, cũng bị bắt vì tàng trữ ma túy và bị xét nghiệm dương tính.

Những vụ việc như của diễn viên Lệ Hằng (bị bắt vì mua bán ma túy), Hữu Tín (bị tuyên án 7,5 năm tù vì tổ chức sử dụng ma túy), hay Châu Việt Cường (11 năm tù vì sử dụng ma túy và gây cái chết thương tâm) đều chứng minh rằng ma túy có thể hủy hoại sự nghiệp và hình ảnh của nghệ sĩ. Thậm chí, Hiệp Gà cũng bị bắt vì tàng trữ ma túy và phải nhận án tù, khiến sự nghiệp của anh sụp đổ.

Nhiều nghệ sĩ bị điều tra, mức xử phạt đối với trường hợp liên quan đến ma túy như thế nào? - Ảnh 2.

Hữu Tín ngồi tù vì sử dụng ma túy. Ảnh: Công an cung cấp.

Ma túy không chỉ đẩy các nghệ sĩ xuống vực thẳm mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của cả ngành giải trí. 

Các khung hình phạt liên quan đến tội phạm ma túy

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc các nghệ sĩ, những người được công nhận và ngưỡng mộ lao vào vòng xoáy tiêu cực đã tạo ra một tác động đáng kể đến hình ảnh và nhận thức của xã hội.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, có quy định cụ thể về các mức phạt liên quan đến ma túy như sau. 

Về xử lý vi phạm hành chính:

Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tàng trữ, vận chuyển trái phép, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 10.000.000 đồng. 

Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đối với người nước ngoài thì sẽ trục xuất theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.

Về xử lý hình sự:

Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 1 hoặc nhiều tội trong những tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

(1) Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247) với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng – mức cao nhất là 03 năm, ngoài ra Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

(2) Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(3) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(4) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(5) Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(6) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252)  với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(7) Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(8) Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 10 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(9) Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(10) Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 15 năm ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(11) Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

(12) Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nhiều nghệ sĩ bị điều tra, mức xử phạt đối với trường hợp liên quan đến ma túy như thế nào? - Ảnh 3.

Hình ảnh của một ca sĩ được cho là đang sử dụng chất kích thích do cộng đồng mạng chia sẻ

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: "Để giảm thiểu tình trạng này, cần có một giải pháp toàn diện, kết hợp giữa giáo dục, hỗ trợ sức khỏe tâm lý, quản lý nghệ sĩ và các chính sách pháp luật phù hợp. Việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, thông cảm và hiểu biết sẽ giúp nghệ sĩ tránh xa những cám dỗ tiêu cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong sự nghiệp. Điều này không chỉ bảo vệ cá nhân nghệ sĩ mà còn góp phần duy trì an ninh trật tự và phát triển cộng đồng, xã hội."