Để có được kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hơn 1,44 triệu người độ tuổi trung bình khoảng 56 tuổi đến từ khắp các nước Châu Á, Châu Âu, Mỹ với thời gian theo dõi trung bình 8,6 năm. Những người tham gia được chia thành 5 nhóm dựa trên lượng chất xơ và sữa chua tiêu thụ. Sau đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, những người tiêu thụ chất xơ và sữa chua cao nhất có nguy cơ ung thư phổi thấp hơn 33% so với nhóm người tiêu thụ ít nhất cả 2 loại thực phẩm này.
Trong đường ruột có chứa khoảng 100 nghìn tỷ vi khuẩn cộng sinh bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Sữa chua có thể cung cấp men vi sinh, chất xơ giúp thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của vi khuẩn có lợi. Nó có thể giúp ức chế các vi khuẩn có hại, cải thiện môi trường trong đường ruột, từ đó nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể nhằm sản sinh tác dụng ngừa ung thư.
Xiao Ou Shu - Giáo sư Nghiên cứu Ung thư tại Ingram, Phó giám đốc Global Health và đồng lãnh đạo của Chương trình Nghiên cứu Dịch tễ học Ung thư tại Trung tâm Ung thư Vanderbilt-Ingram cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ khuyến nghị chế độ ăn nhiều chất xơ và sữa chua trong Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015-2020 của Hoa Kỳ".
Các nghiên cứu tương tự ở Trung Quốc và Hà Lan cũng cho thấy những người ăn nhiều sữa chua có thể làm giảm tỉ lệ mắc các bệnh: Ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư bàng quang, ung thư đại trực tràng và cả ung thư vú ở phụ nữ.
Từ những nghiên cứu trên có thể thấy sữa chua rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, tiến sĩ Michelle Hauser (nghiên cứu viên lâm sàng tại Trường Đại học Y khoa Harvard) cho rằng, cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây khi ăn sữa chua mới có thể phát huy hiệu quả của nó:
1. Tránh ăn sữa chua khi bụng đói
Axit trong dạ dày có thể tiêu diệt các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa bất luận đó là vi khuẩn có lợi hay có hại. Do đó không nên ăn sữa chua khi bụng đói vì các lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ dễ bị axit trong dạ dày tiêu diệt. Bạn nên ăn sữa chua sau bữa ăn từ ít nhất 30 phút đến 2 tiếng để các vi khuẩn có lợi có thể thoát khỏi sự tấn công của axit trong dạ dày.
2. Ăn sữa chua bảo quản ở nhiệt độ thấp
Một điều cần chú ý đó là trong sữa chua có chứa các vi khuẩn sống cần bảo quản ở nhiệt độ thấp để duy trì hoạt động của các vi khuẩn có lợi. Nếu để sữa chua ở nhiệt độ phòng thì vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt, làm mất khả năng ngừa bệnh cũng như phòng ung thư.
Khi chọn mua sữa chua, bạn cũng nên chú ý đến dòng chữ "sữa chua lên men", đây mới thực sự là sữa chua có lợi cho sức khỏe bởi có rất nhiều loại sữa chua uống có chứa quá nhiều phụ gia.
3. Ăn sữa chua ít béo
Có tới 400 loại chất béo khác nhau trong sữa chua, phụ thuộc vào loại sữa làm ra nó. Tiến sĩ Michelle Hauser khuyên rằng, chúng ta nên lựa chọn sữa chua ít béo để cân bằng giữa chất béo bão hòa và hương vị của nó. Theo Tiến sĩ Hauser: "Hầu hết chúng ta không cần thêm nhiều chất béo, đặc biệt là không phải chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống của mình".
4. Ăn loại sữa chua nguyên chất với lượng protein vừa phải
Sữa chua là nguồn bổ sung protein dồi dào, tuy nhiên lượng protein trong các sản phẩm sữa chua thay đổi khá nhiều. Sữa chua nguyên chất làm từ sữa nguyên chất có thể chứa khoảng 8,5 g protein trong mỗi 245g sữa chua, đây được coi là hàm lượng protein lý tưởng. Tuy nhiên có một số loại sữa chua chứa 15 gam protein trở lên, có thể gây khó tiêu hóa trong cơ thể, thậm chí ăn nhiều loại sữa chua này có thể gây đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn...
Theo Aboluowang, Sciencedaily, Healthday, Health