Những ngày gần đây, nhiều khách hàng tiêu dùng điện ở Hà Nội bất ngờ vì hóa đơn tiền điện nhà mình tăng cao, thậm chí gấp 2 lần so với các tháng trước đó. Trên mạng xã hội, một số người lo ngại rằng hóa đơn tiền điện được tính dồn 2 tháng do EVN thay đổi thời gian chốt số có thể khiến bậc tính giá điện tăng cao, là nguyên nhân khiến tiền điện tăng vọt.
Anh Quân ở quận Hoàng Mai cho biết, anh rất bất ngờ khi nhận thông báo hóa đơn điện tháng 2. Theo đó số tiền điện gia đình anh phải đóng gấp đôi so với tháng trước. Đây cũng là tình trạng tương tự với nhiều hộ gia đình khác, thậm chí trong tháng 2 họ về quê ăn Tết nhưng hóa đơn tiền điện vẫn "cao vút trời mây".
Tuy nhiên bên cạnh những hộ gia đình có hóa đơn tiền điện tăng đột biến thì nhiều người cho biết tiền điện gia đình mình tăng không đáng kể. Chị Hậu, trú tại KĐT Thanh Hà cho biết, tiền điện tháng 2 vừa qua của gia đình chị tăng không quá nhiều so với tháng trước đó.
Tương tự gia đình chị Hậu, gia đình chị Vy, quận Hoài Đức cũng cho biết tiền điện tháng 2 vừa qua của gia đình có tăng nhưng không đáng kể. Bình thường gia đình chị mỗi tháng tiêu thụ hết khoảng 500-600.000 đồng, cao điểm những tháng mùa hè khoảng 700-800.000 đồng. Thì với việc tiền điện trong 57 ngày (tháng 1 và tháng 2) hơn 900.000 đồng là hợp lý.
Trước việc nhiều người dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện trong tháng 2 tăng đột biến so với bình thường, lãnh đạo Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 2 gộp 2 kỳ gồm cả tháng 1 và 2.
Lý do bởi từ tháng 2, EVN Hà Nội triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng (29/2) thay vì trải dài từ ngày 3-20 hàng tháng như trước đây. Vì thế số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày (do số ngày thực tế dùng điện thêm 22-26 ngày so với tháng 1) nên hóa đơn tiền điện phải trả tăng tương ứng.
Theo EVN Hà Nội, việc này chỉ phát sinh trong tháng đầu khi họ đổi thời gian chốt chỉ số công tơ về cuối tháng. Các tháng sau đó, tiền điện sẽ trở về bình thường, vì thời gian tính hóa đơn vẫn là 30 hoặc 31 ngày dùng điện (khi công tơ ghi từ ngày đầu tới cuối tháng).
Cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.
Trước băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVN Hà Nội cho biết, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
Ngoài ra, về vấn đề thay đổi lịch ghi công tơ, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho hay, việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được EVN triển khai và có lộ trình trong cả giai đoạn từ năm 2023 - 2025. Việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.