Có phụ huynh dạy con mách với cô giáo hoặc bố mẹ sau đó để sự việc cho người lớn xử lý, nhưng cũng có những phụ huynh lại khuyến khích con mình đánh trả bạn. Vậy đâu mới là cách giáo dục con đúng đắn?
Các thế hệ bố mẹ từ xưa đến nay xử lý vấn đề ra sao?
1. "Mách cô giáo hoặc bố mẹ nếu bị bạn bắt nạt hoặc đánh"
Nhiều người cho rằng ngay cả khi giáo viên giải quyết mâu thuẫn thì sự việc vẫn kéo theo nhiều rắc rối sau đó. Thêm vào đó, nhiều học sinh đã ăn sâu vào tâm trí quan niệm rằng việc mách với giáo viên là hành vi mách lẻo, rất xấu hổ, do đó khi gặp vấn đề về sau thường chỉ âm thầm chịu đựng.
Tuy rằng đây có thể là giải pháp hiệu quả dành cho những trẻ nhỏ, nhưng với những đứa trẻ lớn hơn, giải pháp này là vô ích bởi vì xét từ bản chất là bố mẹ không tin rằng trẻ có khả năng giải quyết vấn đề của chính mình, đồng thời tước đi cơ hội tự lập của đứa trẻ.
2. "Đánh trả" là quan điểm phổ biến của các bậc cha mẹ hiện nay
Từ kinh nghiệm của bản thân, những ông bố, bà mẹ 8X, 9X này đều nhận ra rằng việc bị bắt nạt và chỉ báo lại cho thầy cô, bố mẹ là giải pháp vô ích nên chuyển sang cách giáo dục con "đánh trả lại, dù có thể không đánh thắng nhưng ít nhất cũng để đối phương biết rằng mình không dễ bị bắt nạt".
Cha mẹ thông minh giáo dục con tự bảo vệ mình theo những cách này:
1. Trau dồi cho trẻ khả năng tự bảo vệ mình bằng lời nói
Thực tế, dùng vũ lực chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề, hướng dẫn trẻ dùng lời nói, tận dụng sức mạnh của ngôn ngữ mới là giải pháp hiệu quả.
Ví dụ, khi trẻ cảm thấy bị bắt nạt, hãy dạy trẻ lớn tiếng hỏi thẳng mặt đối phương: "Tại sao bạn lại xô đẩy mình? Bạn có biết điều này sẽ làm mình tổn thương không?"...
Loại câu hỏi này có những ưu điểm sau:
(1) Nó có thể giúp trẻ em tìm ra sai sót nếu có và giảm bớt hiểu lầm.
(2) Đối mặt trực tiếp và lớn tiếng hỏi, loại khẩu khí này có thể khiến đối phương kinh ngạc và thể hiện được là mình không sợ và không dễ bị bắt nạt.
(3) Hỏi to như vậy có thể gây được sự chú ý từ giáo viên và người lớn xung quanh và nhận được sự giúp đỡ của họ.
(4) Quan trọng nhất là việc đặt câu hỏi sẽ làm gián đoạn hành vi xúc phạm của đối phương.
2. Trau dồi cho trẻ khả năng hiểu đúng về hành vi của người khác
Cha mẹ nên nhìn sự việc theo hướng tích cực, đừng coi việc va chạm giữa những đứa trẻ là hành vi xúc phạm ác ý, hãy hướng dẫn trẻ hiểu đúng về mục đích hành vi của người khác thông qua các câu hỏi.
Ví dụ: Bố mẹ đừng nên hỏi con như thế này: "Hôm nay ở trường mẫu giáo có ai bắt nạt con không?". (Bản thân câu hỏi này ngụ ý rằng ai đó sẽ bắt nạt trẻ trong trường mẫu giáo). Thay vào đó, bố mẹ nên hỏi: "Hôm nay ở trường mầm non các con có vui không? Con đã chơi với những bạn tốt nào? Các con đã chơi những trò chơi gì?". (Gợi ý cho trẻ rằng trường mẫu giáo là một nơi vui chơi và kết bạn với nhau).
Đừng lo lắng khi con kể với bố mẹ rằng có bạn đánh con hôm nay bởi vì khái niệm "đánh nhau" của một đứa trẻ có thể có cách hiểu khác. Lúc này, bố mẹ có thể hỏi trẻ những câu hỏi cụ thể hơn để nhận định vấn đề: "Ồ, lúc đó bạn đánh con như thế nào? Bạn đánh con ở đâu? Con có hỏi bạn là tại sao lại đánh con không?".
Đồng thời, bố mẹ dạy con phương pháp và kỹ năng đối phó, bảo con có thể hỏi bạn những câu như: "Tại sao bạn lại đánh mình? Bạn có muốn làm bạn với mình không? Nếu muốn làm bạn với mình, hãy trò chuyện với mình, đừng đẩy hay đánh mình vì như thế mình sẽ bị thương đấy".
Khi bố mẹ có thể đối mặt vấn đề với thái độ khách quan và thân thiện, con cái cũng sẽ học được cách hòa hợp với người khác từ lời nói và việc làm của bố mẹ.
3. Trau dồi khả năng về thể thao cho trẻ
Những đứa trẻ yêu thích thể thao, mạnh mẽ và nhạy bén sẽ được nhiều người yêu mến hơn, và người khác cũng sẽ không dám bắt nạt. Nếu có điều kiện, bố mẹ có thể trau dồi sở thích chơi thể thao của trẻ với các bộ môn như taekwondo, bơi lội, bóng rổ, bóng đá…
Điều này không chỉ có lợi cho thể chất của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển mạnh mẽ hơn, vui vẻ và lạc quan hơn, cũng giúp tăng khả năng hòa nhập với người khác.