Tình trạng ô nhiễm không khí mức cao ở hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đã được các hệ thống quan trắc của thế giới cảnh báo trong nhiều ngày qua. Nhất là sau thời điểm vụ cháy rừng lớn ở Indonesia diễn ra (18/9) và có nhiều luồng thông tin cho rằng chất ô nhiễm bị gió thổi sang phía Nam Việt Nam.
Điều này làm người dân sống gần khu vực này cảm thấy hoang mang, lo lắng. Để bảo vệ sức khỏe của mình trước tác động của ô nhiễm không khí, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường.
Tác dụng thực sự của khẩu trang y tế
Rất nhiều người dân chọn sử dụng khẩu trang y tế vì cho rằng loại khẩu trang này có thể chống bụi hoàn toàn.
Theo khảo sát trên thị trường, hiện nay khẩu trang y tế được bán tràn lan. Người dân có thể mua ở các tiệm thuốc tây, tiệm tạp hóa hoặc thậm chí là lề đường.
Với giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng, bạn sẽ có ngay những hộp khẩu trang y tế từ nhiều lớp. Có loại quảng cáo nhập từ Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, có loại được cho là khẩu trang than hoạt tính.
Người dân chọn khẩu trang y tế với lý do tiện lợi, dễ thay thế, dễ thở hơn, đỡ nóng hơn. Đặc biệt là suy nghĩ có thể lọc bụi, ngăn vi khuẩn. Nhưng sự thật có phải như vậy?
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phạm Đình Lâm, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, khẩu trang y tế thường được cấu tạo gồm 3-4 lớp.
2 lớp bên ngoài là giấy mỏng dạng lưới, lớp thứ 3 là lớp giấy dày không thấm nước có chức năng cản vi sinh vật nằm trong đường thở, nước bọt của người đeo. Với nhân viên y tế, khẩu trang này sẽ cản được chuyện lây nhiễm cho người bệnh và bảo vệ họ không hít phải ô nhiễm trong BV.
Tiếp đến là với những người bệnh lao, cảm cúm… cần đeo khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Ngoài ra những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, rất yếu và dễ nhiễm mầm bệnh xung quanh nên cũng cần đeo để tự bảo vệ khỏi các vi khuẩn gây hại xung quanh.
"Chức năng chủ yếu của khẩu trang y tế là tránh lây nhiễm bệnh, việc sử dụng để cản bụi ngoài đường chỉ là có tác dụng một phần, không cản được hoàn toàn. Khẩu trang chỉ che được vùng mũi và miệng, bụi vẫn có thể luồn qua những con đường khác.
Khẩu trang y tế mỏng và nhỏ, với những làn da không được che chở vẫn bị tác động từ ánh nắng. Hơn nữa, khẩu trang có màu sáng nên chỉ cản được khoảng 10% bức xạ mặt trời" - bác sĩ nói.
Khẩu trang kém chất lượng có thể gây hại cho da
Theo bác sĩ Lâm, những khẩu trang mua ngoài đường không kiểm soát được chất lượng, xuất xứ nguồn gốc nên có thể không đảm bảo hợp vệ sinh, giấy sản xuất nhiễm bẩn, dùng chất khử mùi chứ không đúng quy cách. Do đó khi người dùng đeo vào có thể gây hại cho da.
Với đường hô hấp, khẩu trang kém chất lượng không lọc được những hạt bụi nhỏ nên người sử dụng cũng không được bảo vệ.
Nhìn bề ngoài, khẩu trang trong bệnh viện được đóng gói từng chiếc riêng biệt và đã tiệt trùng nên đảm bảo hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, khẩu trang trôi nổi không chứng minh được đã tiệt trùng hay chưa.
Do đó, bác sĩ Lâm khuyên người dân nên mua khẩu trang tại các nhà thuốc, cơ sở y tế có uy tín. Khi mua khẩu trang cần chú ý nguồn gốc xuất xứ in trên bao bì. Trên sản phẩm có ngày sản xuất, lô sản xuất và được cơ quan chức năng kiểm định.
"Khẩu trang có chất lượng thường được đóng gói ngăn nắp. Khi các bạn mua về rồi có thể kiểm tra bằng cách dùng kéo cắt sản phẩm ra để xem các lớp của khẩu trang như đã phân tích như lúc đầu. Khi cho vào nước, khẩu trang chất lượng sẽ không thấm vào trong mà đọng lên trên.
Người dân khi sử dụng cần hiểu rõ chức năng của khẩu trang y tế. Nếu dùng để cản bụi đi ngoài đường nên kèm theo một khẩu trang vải đủ lớn để che được toàn vẹn khuôn mặt. Khẩu trang vải nên có màu dịu, sợi vải dày để cản được bụi" – bác sĩ phân tích.