Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian qua cơ sở này tiếp nhận và điều trị khá nhiều ca mắc thủy đậu. Đáng tiếc, có người đã tử vong khi mới 32 tuổi. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết: “Bệnh nhân là một thanh niên khỏe mạnh, chỉ sau 4 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã tử vong”.
Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện những nốt phỏng trên trán, rồi lan xuống ngực. Hai ngày sau bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt, khó thở và được nhập bệnh viện tỉnh điều trị.
Sau hai ngày điều trị bệnh diễn tiến nặng hơn nên bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 23/4. Đến 18h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới với chẩn đoán thủy đậu có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: “Các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, nhịp tim nhanh, viêm cơ tim, rối loạn ý thức. Dù đã được cấp cứu bởi các phương tiện hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong sau chưa đầy 12 giờ kể từ khi vào viện”.
Ngoài nam bệnh nhân tử vong trên, gần đây Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân thủy đậu khác nhập viện. Trong đó có trường hợp là phụ nữ mang thai, có trường hợp là người trẻ có tiền sử dùng thuốc corticoid.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng mới điều trị bệnh nhân 22 tuổi, đang mang thai 22 tuần, bị thủy đậu bội nhiễm.
“Thủy đậu ở người khỏe mạnh thường gây tổn thương các nốt phỏng trên da và sau 1-2 tuần sẽ khỏi không để lại di chứng. Các ca có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng thường xảy ra trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền dùng các thuốc ức chế”.
PGS.TS Đỗ Duy Cường , Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trung tâm này đang điều trị cho 2 trẻ bị thuỷ đậu.
“Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster (VZV) gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Do đó, đa số trường hợp người khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước”. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% số người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh.
Hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu nhưng cần phải điều trị sớm mới hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần theo dõi và phát hiện kịp thời biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các loại thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như Corticoid.
Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 12 tháng tuổi hay bất kì ở lứa tuổi nào. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 3 tháng…