Suy nghĩ thường thấy là thỉnh thoảng chơi cho vui cũng chẳng sao cả. Thế nhưng, khi việc sử dụng đã trở thành thói quen để rồi nghiện hoặc dùng số lượng lớn cùng một lúc để kéo dài cảm giác lâng lâng thì nhập viện là điều khó tránh khỏi.
Sau 2 năm thường xuyên sử dụng bóng cười, một bệnh nhân dù mới 22 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch: bị liệt tứ chi, tổn thương nghiêm trọng tủy sống và hệ thần kinh. Sau 2 tuần điều trị, tình hình sức khỏe phục hồi rất chậm. Theo các bác sĩ, liệu trình điều trị đối với bệnh nhân này có thể phải kéo dài hàng tháng và để lại nhiều di chứng về sau.
Một bệnh nhân phải nhập viện vì hút bóng cười
Thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai gần đây cho thấy, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại viện do hứng chịu hậu quả từ việc sử dụng bóng cười. Nhẹ thì có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Còn nặng thì tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu chậm trễ trong việc điều trị.
Đặc biệt, điều nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, người thường xuyên sử dụng bóng cười sẽ dẫn đến nghiện và dần dần sẽ tiếp tục tìm đến các loại ma túy khác như cần sa, ma túy tổng hợp để thỏa mãn thú vui lệch lạc. Thực tế trong thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng người sử dụng bóng cười có kèm theo các chất ma túy tổng hợp diễn ra rất nhiều.
Sau những giây phút ảo giác ngắn ngủi, khi nằm trên giường bệnh, "bóng cười" với nhiều bệnh nhân giờ đã tan vỡ. Khi nụ cười chết chóc vụt tắt, mong muốn đơn giản chỉ là sức khỏe được trở lại bình thường nhưng cũng khó có thể thực hiện được.