PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) vào Trung tâm này điều trị nội trú tăng cao, bình quân mỗi ngày tiếp nhận mới hàng chục ca đến khám.

Dù chưa ghi nhận ca tử vong song đã có rất nhiều bệnh nhân vào viện với các dấu hiệu nặng, thậm chí nguy kịch, như: Sốc, tiểu cầu quá thấp… Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị SXH biến chứng nặng chiếm tới 1/4 số bệnh nhân nội trú, đây là một thực trạng rất cảnh báo.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, thai phụ mắc SXH dễ có nguy cơ sẩy thai, đẻ non, rong huyết. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu, tăng nguy cơ rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.

san-phu-mac-sxh

Khi thai phụ nghi mắc SXH cần chủ động đi khám sớm, nhập viện điều trị.

Trước lo ngại về việc thai phụ bị SXH có thể phải bỏ thai, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khẳng định, hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc SXH phải bỏ thai, nhiều sản phụ khi mắc bệnh, điều trị xong vẫn sinh con bình thường mà không ảnh hưởng gì...

Điều quan trọng là khi thai phụ nghi mắc SXH cần chủ động đi khám sớm, nhập viện điều trị. Để phòng SXH, các thai phụ nói riêng và người dân nói chung cần triển khai các biện pháp mà ngành y tế đã khuyến cáo như vệ sinh môi trường ở nơi sinh sống để tránh muỗi phát triển; ngủ buông màn, dùng các biện pháp diệt muỗi…

Vì thế, quan trọng nhất là chị em đang có thai nên tránh bị sốt xuất huyết:

- Bà bầu nên mặc quần áo dài, chân đi tất, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. 

- Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt loăng quăng. 

- Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.

Theo các chuyên gia y tế nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường. Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: Chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. 

Với phụ nữ mang thai, việc giảm số lượng hoặc chức năng của tiểu cầu rất nguy hiểm bởi tình trạng chảy máu và rối loạn đông máu, tổn thương gan thận, xuất huyết não, phù phổi... có thể xảy ra, đặc biệt là lúc sinh nở. Ngoài ra, những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.

Việc điều trị bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó khăn. Cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như: Sản, huyết học, hồi sức... để xử trí kịp thời khi có biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị, việc chỉ định dùng thuốc cũng phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ vì có thể gây ảnh hưởng với thai nhi.