Theo đó Thông tư sẽ bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong đó có nhiều quy định mới về PCCC tại chung cư mà người dân cần lưu ý.
Loại hình nhà ở áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà sau:
a) Nhà ở:
1) Chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC không quá 150m và không quá 3 tầng hầm;
2) Nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác có quy mô như sau:
- Cao từ 7 tầng trở lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25 m trở lên);
- Hoặc có khối tích từ 5 000 m3 trở lên;
- Hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm.
Nhà có chiều cao PCCC không quá 15m
- Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 300m2; số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người;
- Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này.
Nhà từ 3 tầng trở xuống hoặc có chiều cao PCCC từ 9m trở xuống
Được sử dụng cầu thang bộ loại 2 để thoát nạn khi bảo đảm điều kiện người trong nhà có thể thoát ra lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy.
Thang bộ loại 2 phải được ngăn cách với khu vực tầng hầm (nếu có) bằng vách ngăn cháy loại 2...
Nhà có chiều cao PCCC từ trên 15m đến 21m
Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 200m2; số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 20 người; không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn.
Các khu vực có công năng đang xét được bảo vệ bằng chữa cháy tự động.
Trường hợp không thể trang bị chữa cháy tự động thì thay thế bằng hệ thống báo cháy tự động cho toàn bộ nhà (ưu tiên sử dụng đầu báo cháy khói);
Người trong nhà có thể thoát ra ngoài nhà qua lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ hoặc lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) với các thiết bị hỗ trợ thoát nạn (ví dụ thang P1, P2, thang ngoài nhà, thang dây, ống tụt và các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khác); hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy.
Các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn
Nhà có chiều cao PCCC từ trên 21m đến 25m
Theo đó, Quy chuẩn sửa đổi tại Thông tư 09/2023/TT-BXD cho phép bố trí một lối ra thoát nạn đối với nhà có chiều cao PCCC từ trên 21m đến 25m đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:
- Diện tích mỗi tầng đang xét không được lớn hơn 150m2;
- Số người lớn nhất trên mỗi tầng không vượt quá 15 người;
- Không được để xe cơ giới, không được bố trí kho hạng A, B, C tại tầng có lối thoát nạn ra ngoài nhà, trừ khi các khu vực này được ngăn cách theo các quy định của quy chuẩn này;
- Nhà được bảo vệ bằng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động;
- Người trong nhà có thể thoát ra ngoài nhà qua lối thoát nạn khẩn cấp (ra ban công, lô gia thoáng, qua cửa sổ và các lối thoát nạn khẩn cấp tương tự) với các thiết bị hỗ trợ thoát nạn (ví dụ thang P1, P2, thang ngoài nhà, thang dây, ống tụt và các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khác); hoặc lên được sân thượng thoáng khi có cháy;
Các lối ra thoát nạn của các gian phòng và từ mỗi tầng phải tuân thủ yêu cầu của quy chuẩn này.
Nhà có độ cao PCCC từ 28 đến 50m
Theo quy định hiện hành, các buồng thang bộ loại L1 và cầu thang bộ loại 3 được phép bố trí trong các nhà thuộc tất cả các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng có chiều cao PCCC tới 28m.
Đặc biệt, Thông tư 09/2023/TT-BXD còn cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 làm cầu thang thoát nạn trong các nhà có chiều cao PCCC từ trên 28m đến 50m với điều kiện phần thang bộ loại 3 từ trên 28m phải được bảo vệ chống rơi ngã trên toàn bộ chiều cao các mặt thang hở ra ngoài trời.
Quy định chiều rộng bản thang bộ dùng để thoát nạn khi có cháy
Khoảng cách thoát nạn giới hạn cho phép trên mỗi tầng được đo dọc theo tâm đường thoát nạn, bắt đầu từ tâm của cửa các gian phòng hoặc từ chỗ xa nhất có thể có người trong phòng đến tâm của lối ra thoát nạn gần nhất của mỗi tầng.
Chiều rộng bản thang bộ dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn nào trên nó và không nhỏ hơn:
1,2m: Với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này lớn hơn 15 người từ mỗi tầng; 1m: với nhà nhóm F1.1 có tổng số người thoát nạn qua thang này từ 15 người trở xuống từ mỗi tầng;
1,2m: với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người;
0,7m: với nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy không quá 15m và tổng số người thoát nạn qua thang này từ mỗi tầng không quá 15 người;
0,9m: Đối với tất cả các trường hợp còn lại.
Theo thông tư, nếu không thể bảo đảm kích thước trên, có thể sử dụng tài liệu chuẩn để tính toán thoát nạn cho người và xác định kích thước cần thiết của bản thang, lối thoát nạn, đường thoát nạn căn cứ điều kiện cụ thể của công trình.
Khoảng cách giữa 2 lối ra thoát nạn tối thiểu là 7m
Khi nhà có từ hai lối ra thoát nạn trở lên, chúng phải được bố trí phân tán. Khi tính toán khả năng thoát nạn của các lối ra cần giả thiết là đám cháy đã ngăn cản không cho người sử dụng thoát nạn qua một trong những lối ra đó. Các lối ra còn lại phải bảo đảm khả năng thoát nạn an toàn cho tất cả số người có trong gian phòng, trên tầng hoặc trong nhà đó.
Trường hợp khoảng cách này nhỏ hơn 07m thì khoảng cách giữa hai lối ra thoát nạn được đo theo đường thẳng nối giữa hai cạnh gần nhất của chúng.
Lối ra ngoài trực tiếp
Cửa hoặc lối đi qua các vùng an toàn trong nhà (cùng tầng với lối ra ngoài trực tiếp) để dẫn ra ngoài nhà (ra khỏi các tường bao che của nhà) đến khu vực thoáng mà con người có thể di tản an toàn.
Một số trường hợp có thể được coi là lối đi qua các vùng an toàn trong nhà để dẫn ra ngoài nhà như sau:
a) Đi qua khu vực không có tải trọng cháy hoặc có nguy cơ cháy thấp (ví dụ khu vực này có thể có quầy lễ tân, bàn ghế gỗ, kim loại, quạt cây, hoặc các đồ vật tương tự với số lượng hạn chế), khu vực này được ngăn cách với các hành lang và các gian phòng tiếp giáp (nếu có) bằng vách ngăn cháy loại 1 có cửa đi với cơ cấu tự đóng và khe cửa được chèn kín, hoặc ngăn cách bằng giải pháp khác tương đương;
b) Đi qua lối đi hở, có thông khí với ngoài trời (ví dụ hành lang bên, ram dốc), được ngăn cách với các gian phòng, khu vực liền kề bởi bộ phận ngăn cháy làm bằng vật liệu không cháy với giới hạn chịu lửa ít nhất El 30 đối với nhà có bậc chịu lửa I, và phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1) với giới hạn chịu lửa ít nhất El 15 đối với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV;
c) Đi qua các khu vực khác được coi là an toàn đối với con người.
Yêu cầu sử dụng vách ngăn loại 1 để ngăn khói
Theo quy định mới, tại tất cả các sàn tầng hầm, ít nhất phải có một lối vào buồng thang bộ thoát nạn đi qua sảnh ngăn khói được ngăn cách với không gian xung quanh bằng vách ngăn cháy loại 1 hoặc giải pháp tương đương khác (hiện nay chỉ yêu cầu sử dụng tường ngăn cháy loại 2).
Các nhà nhóm F1.2, F1.3, F2, F3, F4 có chiều cao PCCC dưới 28m nếu không thể bố trí được lối đi riêng ra bên ngoài mà phải đi qua sảnh chung thì lối vào buồng thang bộ chung từ các tầng hầm phải đi qua khoang đệm với giải pháp bao che giống như khoang đệm ngăn cháy loại 1, và phải có vách ngăn cháy loại 1 ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ.
Điều này sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho con người khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Thông tư 09/2023/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2023.