Nhiều trẻ nhập viện do mắc cúm A
Khoảng 2 tháng nay, số trẻ mắc cúm A nhập viện tại Bệnh viện Nhi Hải Dương tăng đột biến, đa số các trẻ đều trong tình trạng khá nặng, sốt cao dẫn đến co giật, lơ mơ...
Thời điểm ngày 16/3, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương đang điều trị cho 54 trẻ, trong số này có tới hơn 30 trường hợp mắc cúm A. Những ngày cao điểm lên tới 40 trường hợp, cùng thời điểm này năm ngoái, bệnh viện chỉ điều trị lác đác cho một vài trường hợp mắc cúm.
Ngoài trẻ bị mắc cúm A gia tăng thì thời gian này, số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng tăng cao. Trong ngày 16/3, có 401 bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện, thì có tới 1/4 số bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Hô hấp, ngày cao điểm khoa điều trị lên tới 90 trường hợp, chủ yếu mắc các bệnh viêm phổi, viêm phế quản…
Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, thời điểm mùa Đông Xuân có độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác. Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm đường hô hấp trên, đặc biệt viêm họng đỏ rất rõ, một số trẻ còn viêm phế quản.
Thông thường, trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị, chủ yếu dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Nếu dùng các thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế, phụ huynh không được tự ý mua thuốc dùng cho trẻ. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm, đồng thời tránh tiếp xúc với quá nhiều người để hạn chế mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang virus cúm ra cộng đồng.
Bác sĩ Nhàn khuyến cáo, trường hợp trẻ bị cúm gây viêm phổi hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó thì mới phải nhập viện. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Đặc biệt, trẻ bị sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm sốt thì cha mẹ cho con đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm cúm, tránh khám ở các phòng khám tư nhân không có đủ trang thiết bị y tế dẫn tới chẩn đoán sai bệnh, đặc biệt là trẻ mắc cúm nhưng bác sĩ lại kê đơn dùng kháng sinh vì chẩn đoán viêm đường hô hấp.
Tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ, khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh đồng thời cần chú ý dinh dưỡng để trẻ nhanh hồi phục. Cho trẻ ăn thực phẩm chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như cháo súp, các món hầm nhừ, nước hầm rau củ... Tăng cường thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo... Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... để hỗ trợ tăng sức đề kháng. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.