Nếu có ai hỏi tôi rằng bố đã làm điều gì khiến tôi cảm động nhất, có lẽ tôi sẽ không trả lời được, vì đối với tôi tất cả những điều bố làm đều khiến tôi xúc động. Nhưng nếu phải chọn ra một điều thì câu chuyện tôi kể dưới đây sẽ mãi mãi là kí ức không thể phai nhoà.
Tôi vẫn nhớ hôm đó, ăn cơm trưa xong thì tôi về lại thành phố, sợ tắc đường nên tôi tránh giờ cao điểm. Lúc tôi đi, mẹ tôi vẫn bình tĩnh ngồi "tám" chuyện với hàng xóm, bố tôi thì nói xuống lầu vứt rác. Tôi nhớ lúc sáng mẹ đã vứt rác rồi, bố nhặt nhạnh mấy thứ rác linh tinh rồi cùng tôi xuống lầu.
Xe tôi đỗ ở mãi ngoài ngõ, cả một đoạn đường hai bố con không nói với nhau câu nào. Lên xe, bố dặn tôi ăn nhiều cơm, ít thức khuya, còn đưa 2 triệu bắt tôi cầm bằng được. Nhưng tôi nhất quyết không lấy rồi lái xe đi.
Từ ngõ nhà tôi đi ra có một góc ngoặt ở phía bên phải đường, góc ngoặt đó tạo thành một điểm mù, lái xe ra khỏi đoạn này mới đến đường lớn. Tôi lái xe rẽ sang phải, ra đến đường lớn thì thấy hai bên đường đầy bùn lầy, cực kì trơn trượt. Đằng trước tôi có một chiếc xe, sau này tôi mới biết tài xế xe đó uống rượu lái xe, nhìn thấy cảnh sát giao thông nên sợ hãi, đường trơn lại thêm tốc độ nhanh, không phanh lại được nên bay luôn khỏi đường. Những xe sau không phanh kịp nên mấy chiếc xe cùng tông vào đuôi nhau gây ra vụ tai nạn lớn.
Lúc đó tôi lái xe với tốc độ vừa phải, nhìn thấy tai nạn đằng trước nhưng cũng không kịp phanh xe, rất may là xe đi chậm nên tôi vừa phanh vừa đánh vô lăng, chỉ có phía sau ô tô va vào lề đường, những xe sau cũng giảm tốc độ, chỉ có điều đều đâm vào sau xe tôi. Tôi thắt dây an toàn cẩn thận, lực đâm đằng sau cũng nhẹ nên rất may mắn không bị thương ở đâu.
Xảy ra vụ tai nạn liên hoàn như vậy, là một bác sĩ, việc sơ cứu là điều vô cùng quan trọng, thế nên tôi lập tức xuống xe chạy đi cứu người. Tài xế chiếc xe đầu tiên bị thương ở ngực, mở được cửa xe thì ngất xỉu. Chiếc xe thứ hai bị tai nạn cực kì nghiêm trọng, trước sau bị đâm bẹp lại như bánh mì kẹp, trong xe có tiếng khóc của trẻ con, người lớn thì không may mắn, mất ngay tại chỗ. May mắn lúc đó có hai người là y tá đi ngang qua, ba người chúng tôi cùng cố hết sức lôi đứa trẻ ra ngoài, gọi xe cứu thương đưa đứa bé đến bệnh viện. Tình hình hiện trường lúc đó vô cùng hỗn loạn, giờ nghĩ lại tôi vẫn còn không tin chuyện đã từng xảy ra ngay trước mắt mình.
Lúc đó bố tôi đang đứng nói chuyện với cô lao công ở đầu ngõ thì nghe thấy tiếng người la hét đằng trước có tai nạn, mấy chiếc xe ô tô cùng đâm vào nhau. Tôi vừa mới rời đi 3 phút trước, có người lại chạy đến nói với bố tôi rằng hình như trong vụ tai nạn có cả con gái của nhà ông thì phải. Bố tôi chạy đến với tâm trạng gì, thật sự tôi cũng không dám nghĩ. Lúc đó tôi đang gọi xe cứu thương, tóm tắt số lượng người bị thương, trên xe có mấy người, khả năng sống sót là bao nhiêu phần trăm,… Sau đó, tôi nghe thấy hình như sau lưng có ai gọi tên tôi: “Kiều ơi, Kiều ơi, con gái ơi!”. Tiếng gọi như tiếng gào, rất thống thiết.
Đây là tiếng của bố tôi!
Tôi quay đầu lại thì thấy bố đang mở cửa xe tìm tôi, không thấy tôi trong xe lại chạy lên xe đằng trước tìm, vừa tìm vừa gọi: “Con gái ơi!”. Bố còng cả lưng xuống, sắc mặt tái nhợt, hai mắt đỏ vằn tia máu, trong tiếng gọi còn nghe cả tiếng khóc nấc lên. Trong tay ông vẫn còn cầm túi rác lúc nãy chưa kịp vứt đi, không ngừng lắc lư lắc lư. Tôi kêu: “Bố ơi!”, nhưng ông không nghe thấy, tôi lại gào to hơn: “Bố ơi!”.
Bố nghe thấy giọng tôi, đứng sững lại mấy giây, mãi mới ngoái đầu lại phía tôi. Khoảnh khắc nhìn thấy tôi trong biển người, bố rơi nước mắt, hai tay run bần bật không ngừng. Tôi vội vàng chạy đến chỗ bố, đỡ ông ngồi tạm xuống đất, ông túm lấy tay tôi hỏi: “Có sao không? Con có sao không?”.
Tôi nói với bố tôi không sao, sau đó đỡ ông ngồi lại cho tử tế. Bỗng nhiên có người bệnh bị chảy máu ở ngực, tôi không kịp nói gì thêm với ông, gấp rút chạy đi xem tình hình, còn bố tôi cứ ngồi yên lặng ở đó nhìn tôi mãi. Chờ đến khi xe cứu thương đưa bệnh nhân cuối cùng đi, tôi viết xong báo cáo bệnh án cho y tá thì cũng qua nửa tiếng đồng hồ rồi. Sau đó cảnh sát tìm tôi lấy lời khai, tôi khai báo xong thì cũng qua thêm 30 phút nữa, cảnh sát lại kéo xe của tôi đi để phục vụ công tác điều tra, bảo tôi quay về nhà trước.
Xử lý xong xuôi, tôi quay lại tìm bố, nói, bố ơi, chúng ta cùng về nhà đi. Bố tôi định thần lại, tôi dìu bố đứng dậy đi về. Trên đường về, bố nắm chặt tay tôi. Từ sau khi tôi lớn, đây là lần đầu tiên bố nắm tay tôi như vậy. Bố không ngừng hỏi tôi: “Có sao không? Có thật là không việc gì không?”, hỏi nhiều đến mức khiến tôi đau cả đầu, vừa hay bên đường có sạp bán dứa, tôi quay sang bảo bố: “Bố ơi, con muốn ăn dứa”.
“Con gái con lứa lớn thế rồi vẫn còn làm nũng? Ăn mấy quả đây? Một quả đủ ăn không?” – Bố vừa mắng vừa đứng lại mua dứa cho tôi. Đưa quả dứa cho tôi, bố lại nắm tay tôi đi tiếp, giống như hồi còn bé. Chỉ là lúc đó bố vẫn còn trẻ, thân hình cao lớn vững chắc như núi. Bây giờ tôi đã cao gần bằng bố, tay của bố cũng không còn có lực như xưa.
“Nhìn gì thế, mau ăn đi!” – Trông thấy tôi đang thất thần, bố liền trừng tôi một cái, sau đó lại kéo tôi đi: “Đã bảo con ngày mai hẵng đi, giờ xem, đúng là ông trời bắt con ở lại tối nay đây mà. Tối nay muốn ăn gì? Trong nhà hết thức ăn rồi, hay là ra ngoài ăn nhé!”.
Cuối cùng cái túi rác bố tôi cầm cũng không vứt đi được, nó lại quay trở về nhà mà không sứt mẻ miếng nào.
Giờ tôi nhớ lại, mỗi khi có chuyện gì buồn, tôi thường gọi điện cho mẹ tâm sự, rất ít khi gọi cho bố. Hôm qua xem nhật ký cuộc gọi của ông, tháng này chỉ có đúng hai cuộc điện thoại. Một cuộc là từ một người bạn trong thành phố của bố, bảo là tặng ông mấy chai rượu ngon, nhờ tôi qua lấy hộ. Cuộc gọi còn lại là tôi nói với mẹ tôi bị dị ứng, bố biết được nên gọi điện cho tôi, bảo tôi chú ý một chút. Trong nhà chỉ có tôi giống với bố, bị dị ứng phấn hoa, cứ đến mùa hoa nở là mặt lại ngứa đến mức gãi muốn lột cả da xuống. Bố bảo tôi ngứa thì không được gãi, mua thuốc bôi là khỏi. Năm nào tôi cũng nghe bố dặn mấy câu này, thế mà giờ lại quên mất.
Nhớ lại nội dung cuộc gọi hôm trước, chỉ khi nào có chuyện nghiêm trọng bố mới gọi đến, dặn dò đủ thứ liên quan đến chuyện dị ứng xong, những câu tiếp theo mới thật sự là lời ông muốn nói: “Con ăn cơm chưa? Ăn có vừa miệng không? Có khoẻ không? Đi làm có bị ai bắt nạt không? Bao giờ thì con về? Bố, bố…ừm… Bố rất nhớ con".
Bố, con cũng rất nhớ bố.
Sau này mỗi khi gặp ai, bố tôi sẽ kể lại chuyện tai nạn ngày đó, rồi cực kì, cực kì tự hào mà nói: Con gái tôi ấy à, giỏi lắm, lợi hại lắm!
Bố của con, bố cũng rất tài giỏi, rất lợi hại!
(Câu chuyện của bác sĩ Kiều, được chia sẻ trên trang mạng Zhihu, Trung Quốc)