Nguyên liệu chuẩn bị cho món canh bóng thả - Ảnh tác giả cung cấp
Canh bóng thả không thể thiếu tôm. Tôm he bà mua về mấy con một, kẹp vào cái đũa chẻ đôi phơi ở sân thượng cho khô cong, bóc vỏ bỏ đầu cất riêng, tôm cất riêng vào lọ thủy tinh đậy kín. Cái giống tôm phơi ươi ưởi là mốc ngay, chỉ có vứt đi.
Nhìn mâm cỗ Tết, người ngoài có thể đoán được sự no ấm và hạnh phúc của mỗi gia đình và sự vén khéo của nữ chủ nhân. Mâm cỗ Tết ngoài ra còn thể hiện ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và an khang.
Chính vì thế mà người mẹ, người vợ xứ Bắc chuẩn bị cho những món ăn trong mâm cỗ Tết thật công phu, kỹ lưỡng trước hàng tháng trời, như món canh bóng thả chẳng hạn.
Canh bóng thả là một trong bốn bát canh chính thường hiện diện trong các mâm cỗ vào những dịp lễ, giỗ, Tết, tóm lại là trong những dịp quan trọng của người Bắc xưa, đặc biệt là người Hà Nội, là bóng, vây, măng, miến (mực, cà ri).
Nhiều người Hà Nội bây giờ đã không hiểu vì sao lại có món canh gọi bằng cái tên là lạ "canh bóng thả". Có lẽ gọi là canh bóng vì bóng làm từ bì heo (da lợn) nướng lên cho nở phồng, nhìn vào trông giống như những chiếc bong bóng thả trên mặt canh.
Cuộc sống hiện đại nên nồi canh bóng thả cũng thay đổi theo thời gian, vì để làm được món canh bóng này là cả một công đoạn rất cầu kỳ. Thay vào đó là bát bóng có tên là thập cẩm xuất hiện trong các mâm cỗ cưới, ngày giỗ, ngày Tết.
Bóng thập cẩm đúng là "thập cẩm" thật, gồm đủ thứ trứng cút rán, giò sống, mọc, tôm, mấy loại nấm tươi, su su, cà rốt..., tiện cái gì cho vào cái nấy. Miếng bóng ăn vô vị nhiều khi còn đầy cả lông. Nước canh váng mỡ, ngọt nhợ vì mì chính. Những lúc ấy tự dưng thèm một bát canh bóng thả nấu theo lối cũ biết bao.
Nhớ ngày xưa bà nội tôi chuẩn bị cho món canh bóng thả ngày Tết trước hàng tháng trời. Bì lợn phải lấy bì thăn được làm chín, có nghĩa là làm lông lợn bằng nước sôi chứ không phải cạo sống như bây giờ.
Bì thăn lợn làm chín không có lông mua về luộc chín rồi lạng sạch mỡ dính ở bì, kẹp hai đầu vào hai thanh tre rồi phơi nắng cho khô cong. Bì khô rồi lấy chảo to rang cát cho thật nóng rồi cho bì vào rang cùng đến khi bì nổ thành bóng.
Cả con lợn chỉ có bì thăn thì khi rang bóng mới nở đều và xốp, trắng, còn bì vai hay dọi thì khi rang hạt đều hạt xịt không thành bóng.
Bóng đấy muốn thành nguyên liệu nấu bóng thả thì phải rửa sạch, ngâm bóng bì vào nước vo gạo cho mềm, rồi bóp nhẹ với nước cốt gừng và rượu trắng để bóng trắng và thơm. Rửa sạch rồi mới cắt miếng bóng hình thoi hoặc để miếng to cuộn làm bóng cuốn.
Nấm hương cũng mua từ cả tháng phơi khô cất đi. Rồi trứng gà, trứng vịt, lọ mì chính bé xíu xíu...
Có cảm giác ngày ấy bà rồi mẹ cứ gom góp nguyên liệu từng tí, từng tí một chứ không phải cầm tiền ào ra chợ mua về tất cả như bây giờ. Nhưng cũng chính vì thế mà những cái gom góp, chắt chiu ấy nó hằn vào ký ức không thể quên được.
Bát canh bóng thả ngày xưa trong mâm cỗ Tết qua bàn tay của bà, của mẹ rực rỡ như một bức tranh mùa xuân thu nhỏ.
Trứng tráng vàng tươi, giò lụa hồng hồng, thịt thăn trắng nõn, su hào trắng ngà, cà rốt đỏ tươi, bóng vàng nhạt như những con thuyền nhỏ, đậu Hà Lan xanh mướt, nấm hương nâu sẫm, tôm nõn đỏ hồng, lá mùi xanh nõn.
Và trên hết, nước canh bóng thanh và ngọt bởi nước hầm xương và tôm khô, thơm nhẹ mùi gừng, mùi tôm, thịt, nấm hương.
Bát canh bóng thả nấu kiểu xưa tuy nguyên liệu bình dân nhưng chứa chất tình cảm của người bà, người mẹ, người vợ và cũng thể hiện sự sáng tạo, sự tinh tế rất Hà Nội mà nay vì cuộc sống quá gấp gáp, con người quá bận rộn, ít có thời gian chi chút nên ít thấy trong mâm cơm dâng ngày lễ, Tết.
Hôm rồi nhà có việc, nấu bát canh bóng thả theo lối cũ. Đi chợ hơn tiếng đồng hồ là đã mua đầy đủ các nguyên liệu. Vừa nấu nướng vừa nghĩ lại những ngày xưa thơ bé háo hức với mâm cỗ Tết trong đó có bát canh bóng thả rực rỡ, bao kỷ niệm ùa về.
Nhớ xưa mẹ nấu cỗ, bố nhìn bát bóng bao giờ cũng bảo bà còn sống xưa giỗ Tết bà cũng nấu bóng như thế này.
Giờ mẹ mình già, tay run không nấu được nữa, mình đứng nấu lại nhớ bà, nhớ bố, lại thấy trăm ngàn nỗi nhớ ùa về trong một thoáng canh bóng thả...