Khi con tròn 1 tuổi, tôi mới đi làm lại. Trước khi đi làm, vợ chồng tôi trăn trở suốt chuyện nên gửi con đi nhà trẻ hay nhờ mẹ chồng chăm sóc hộ, đợi con cứng cáp hơn mới cho đi học. Mẹ chồng tôi năm nay đã gần 70 tuổi, sức khỏe cũng yếu rồi, chân lại hay bị đau nhức, chỉ sợ sẽ khó mà chạy theo đứa cháu nhỏ đang trong độ tuổi tò mò nghịch ngợm.

Nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ là chính mẹ chồng lại chủ động nói muốn chăm sóc cháu cho tôi đi làm. Bà nói không muốn đem cháu đi gửi nhà trẻ vì không yên tâm. Vả lại còn có bố chồng tôi, ông sẽ giúp bà nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, bà chỉ chăm cháu thôi. Đi làm được 1 tuần nay, chiều nào về nhà cũng thấy con trai được cho ăn no bụng, tắm rửa sạch sẽ thơm tho, tôi cũng yên lòng.

Trưa nay, vì nhớ con quá nên tôi mở camera xem và rồi sửng sốt khi thấy cảnh mẹ chồng vất vả theo giữ cháu. Con tôi mới biết đi nhưng lại thích leo trèo, đụng gì cũng cầm nhét vào miệng hoặc thích leo lên ghế, lên cầu thang. Bà nội đang bưng bát cơm ăn thì thấy cháu leo lên bàn gỗ ở phòng khách nên hốt hoảng chạy lên đỡ cháu, kết quả là bị trượt chân té ngã rất đau. Nhìn mặt bà nhăn nhó lại nhưng vẫn vội đứng lên, bế cháu xuống khỏi bàn gỗ, nước mắt tôi chảy dài.

Bố chồng nghe tiếng động nên chạy từ phòng bếp lên, trên tay vẫn đang dính xà phòng, chắc ông đang giặt quần áo. Ông ôm cháu cho mẹ chồng tôi xoa bóp chân. Cảnh tượng này, chắc tôi khó mà quên đi được. Chiều tôi vội vã về nhà bế con cho mẹ chồng nghỉ ngơi. Dù đi khập khiễng nhưng bà không kể gì về cú té ngã vừa rồi, chắc sợ vợ chồng tôi lo lắng.

Buổi tối, tôi bàn với chồng chuyện đưa con đi gửi hoặc thuê người chăm sóc chứ tôi không muốn bố mẹ vất vả nữa. Ông bà đã khổ cả đời rồi, giờ lại phải trông cháu đến té ngã, tôi không đành lòng. Chồng tôi cũng gật đầu tán thành. Chỉ là phải nói làm sao để mẹ chồng chịu cho tôi đem con đi gửi đây? Tôi chỉ sợ bà nghĩ ngợi rồi hiểu lầm rằng tôi chê bà chậm chạp thôi.