Năm 2021, nền kinh tế trong nước chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19. Làn sóng dịch lần thứ 4 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng tìm cách thích ứng linh hoạt để vượt qua khó khăn chung.
Nhìn lại thương trường trong năm qua, có không ít thành tựu giữa một năm "kinh tế buồn" vì đại dịch nhưng bên cạnh cũng có không ít những sự việc khiến dư luận không khỏi xôn xao.
#Tâm thư 01
Thế Giới Di Động đi "xin" mà như "ép"
Trong năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh trong thị phần bán lẻ, đặc biệt những doanh nghiệp có số lượng cửa hàng chi nhánh kinh doanh khắp cả nước. Một trong những khó khăn mà họ phải đối mặt đó chính là kinh phí duy trì thuê mặt bằng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị được giảm tiền cho thuê đến từ chủ mặt bằng. Tuy nhiên, cũng trong trường hợp này, sự việc Thế giới di động thông báo dừng trả tiền thuê mặt bằng các cửa hàng đóng cửa vì dịch, tự ý giảm tiền thuê dù chủ nhà chưa đồng ý đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Theo Công văn gửi đến chủ mặt bằng, TGDĐ cho biết:
Mặc dù đã cố gắng cắt giảm chi phí vận hành, thậm chí điều chỉnh cả thu nhập nhân viên nhưng việc hạn chế/hoặc tạm đóng cửa hàng khiến doanh thu bị ảnh hưởng.
Với mong muốn giải quyết khó khăn, TGDĐ xin "thông báo" đến Quý đối tác về những biện pháp sẽ triển khai như sau:
- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 01/01/2021 đến 01/08/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Công văn nêu rõ: "Đây là sự tiếp sức và động viên rất lớn của Quý đối tác cho TGDĐ/ĐMX để chúng tôi duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động, đóng góp phúc lợi cho xã hội".
Điều đáng nói, dù chưa được sự chấp thuận của chủ mặt bằng, phía Thế Giới Di động đã chuyển tiền thuê mặt bằng theo như tính toán của doanh nghiệp này.
Động thái của Thế Giới Di Động khiến nhiều người bất ngờ. Bởi mặc dù nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng theo công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021 của Công ty Cổ Phần Đầu Tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận lãi sau thuế hơn 3.000 tỉ đồng, đạt 78.495 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp khó khăn do dịch bệnh.
Trong đó doanh thu online đóng góp hơn 7.540 tỷ đồng cho MWG, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Với kết quả này, tập đoàn đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Sự việc đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài khi 2 bên chưa thống nhất được phương án giải quyết.
#Tâm thư 02
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết "lấy làm tiếc" vì bán chui cổ phiếu
Những ngày vừa qua, sự việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài khoản trên sàn chứng khoán sau vụ việc "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu khiến giới doanh nghiệp, doanh nhân hoang mang.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Ngay sau hành động bán chui của Chủ tịch Tập đoàn FLC, thị trường chứng khoán đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Trong số đó, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất.
Trước làn sóng phẫn nộ từ nhiều nhà đầu tư, Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC đã có giải trình với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về vụ việc.
Ông Quyết cho biết, do đi công tác vào ngày 4/1 nên giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1 đến ngày 17/1.
"Tuy nhiên do sơ suất không kiểm tra lại nên khi UBCKNN gửi công văn vào tối ngày 10/1, tôi mới biết không thực hiện đúng công bố thông tin theo quy định. Do đó, tôi mới chỉ đạo bộ phận thư ký làm lại công bố thông tin trong ngày 10/1.
Thực sự để xảy ra việc này, tôi lấy làm tiếc và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra sự việc tương tự", ông Quyết cho biết.
Đến ngày 11/1 vừa qua, Bộ Tài Chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, HoSE).
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1/2022, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.
#Tâm thư 03
Tân Hoàng Minh và cú "bom hàng" khủng nhất trong lịch sử
Sự việc Chủ tịch FLC bán chui gần 75 triệu cổ phiếu chưa "hạ nhiệt" thì một lần nữa thị trường chứng khoán trong nước lại được phen chao đảo khi chỉ ít ngày sau đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh xác nhận bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm đã trúng thầu trước đó.
Nếu như sự việc của ông chủ FLC chỉ gây sóng gió trên sàn chứng khoán thì quyết định bỏ cọc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây ra nhiều hệ lụy hơn.
Theo đó, vào tối 11/1, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gửi "tâm thư" với nội dung cho biết tự nguyện bỏ cọc kết quả đấu giá lô đất "vàng" Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài theo quy định của pháp luật.
Theo "tâm thư", Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.
Lý giải cho hành động này, tâm thư cho biết: "Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân tôi trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến. Nhưng thực tế, trong quá trình tham gia, đã có nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc. Từ đó, chỉ còn lại 1 nhà đầu tư nước ngoài và tôi tiếp tục tham gia đấu giá. Nếu tôi bỏ cuộc thì lô đất được tôi đánh giá là đẹp nhất khu Thủ Thiêm này sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong suy nghĩ của tôi, lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn bất động sản trong nước mà tôi là một trong số đó, nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 700 tỉ đồng để giành quyền trúng đấu giá lô đất này".
Cũng theo "tâm thư", ông Đỗ Anh Dũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của Tân Hoàng Minh, cân đối đầy đủ tài chính của tập đoàn để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ. Ông cũng lên phương án thiết kế, kinh doanh mới cho phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng với kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ uy tín của tập đoàn...
"Sau khi trúng đấu giá, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy, có thể dẫn đến hệ luỵ không tốt. Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính…, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá như vậy dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm… và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công" - "tâm thư" viết.
Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc dẫn đến nhiều hệ lụy kèm theo. Theo đó, ngân sách TP. Hồ Chí Minh thất thu số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để hoàn trả lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư mà Thành phố đã thực hiện trước đây trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc còn gây hệ lụy đến giá đất vẫn đang bị đánh giá “ảo” khi bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực ở thời điểm hiện tại, không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản và gây hệ lụy với phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Việc doanh nghiệp bỏ cọc sau “chiêu kích giá đất” tác động tiêu cực đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng “bình thông nhau”, gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại.
Đồng thời, giá trúng đấu thầu lô đất Thủ Thiêm quá cao làm giảm tính “hấp dẫn” của thị trường bất động sản TPHCM, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.