Kỳ tuyển sinh Đại học năm 2022 hiện tại cơ bản đã kết thúc. Đây được xem là kỳ tuyển sinh có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật, từ đó có thể lọc ảo chung cho nhiều phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đặt ra từ việc lọc ảo, việc ban hành quy chế tuyển sinh... khiến các trường đại học bị động, thi sinh cũng lo lắng.
Trường bị động, thí sinh lo lắng
TS Nguyễn Trung Nhân-Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, kỳ tuyển sinh vừa qua, các trường gặp nhiều khó khăn như quy chế tuyển sinh năm 2022 yêu cầu xác định chỉ tiêu theo lĩnh vực, trong khi thí sinh có xu hướng đăng ký vào một số ngành rất đông, một số ngành lại rất ít nên việc tuyển đủ chỉ tiêu là một thách thức lớn, đặc biệt là với các trường đại học đa ngành.
Ngoài ra, vì là năm đầu thay đổi về phương thức lọc ảo nên cũng làm các trường khó đoán tỉ lệ ảo trong gọi thí sinh trúng tuyển. Thực tế, tỉ lệ ảo vẫn cao, dao động khoảng 20%. Từ đó dẫn đến một số ngành tuyển không đạt chỉ tiêu khi mà nguồn tuyển bổ sung hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các mốc thời gian nhiều lần cũng làm cho thời gian đào tạo chung của các trường bị ảnh hưởng.
Để kỳ tuyển sinh năm sau được diễn ra thuận lợi, TS Nguyễn Trung Nhân kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy chế tuyển sinh mang tính ổn định để các trường dựa vào đó ban hành, xây dựng quy chế tuyển sinh cho từng trường: “Hệ thống hạ tầng chúng tôi mong muốn cập nhật đơn giản hơn, tinh gọn hơn để các trường trong quá trình xử lý dữ liệu cũng sẽ ổn. Đặc biệt các thí sinh cũng dễ dàng đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí".
Tương tự ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định cũng cho rằng, việc ban hành quy chế tuyển sinh quá chậm khiến các trường bị động trong kết hợp với các trường THPT để công bố hình thức xét tuyển chính thức, từ đó để thí sinh có thể lựa chọn sớm hơn. Song song đó, thời gian xét tuyển kéo dài gần 2 tháng làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh vì phải chờ đợi khá lâu. Cổng thông tin chung cũng chưa được hoàn thiện nên ảnh hưởng rất lớn đến các trường đại học.
Ông Chung cho biết, việc lọc ảo áp dụng với tất cả phương thức là không hiệu quả, vì mỗi trường có từ 3-5 hình thức xét tuyển trong đó có một số hình thức đặc thù với từng trường. Để tránh xảy ra nhiều rắc rối trong khâu kỹ thuật khi lọc ảo, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên áp dụng hình thức kết quả thi như mọi năm và trao lại quyền tự chủ tuyển sinh các hình thức khác cho các trường đại học. Điều này tạo điều kiện cho thí sinh không mất quá nhiều thời gian chờ đợi kết quả lọc ảo sau khi thi tốt nghiệp THPT.
Ông Chung đề xuất thêm: “Quy trình lọc ảo nên rút ngắn thời gian và chỉ áp dụng hình thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên kết thúc trước ngày 1/8/2023. Nếu có những thay đổi khác so với những quy chế tuyển sinh so với những năm trước cần phải có thời gian cho thí điểm , làm tốt công tác hướng dẫn thực hiện, truyền thông thật tốt và thường xuyên đặt ra các tình huống giả định và thông tin cho thí sinh ngay khi quy chế ban hành".
Cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, kỳ tuyển sinh năm 2022 có các quy định liên quan đến xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức, mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Năm nay vẫn còn hiện tượng thí sinh đổ dồn xét tuyển vào một số trường, một số ngành hoặc dồn về một phương thức xét tuyển.
Theo số liệu ban đầu, thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học là 940.000. Nhưng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, con số này còn gần 620.000. Và cuối cùng khi xét tuyển lọc ảo trên hệ thống còn gần 570.000 em trúng tuyển, tỷ lệ ảo cũng còn khá cao. Nhiều trường đại học đã phái xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1 với khoảng gần 150 trường tương ứng hơn 100.000 chỉ tiêu.
Năm 2022 các quy định tuyển sinh thay đổi khá nhiều, thể hiện ở việc thí sinh đã phải đăng ký xét tuyển đại học đến 4 lần (lần 1 đăng ký khi dự thi tốt nghiệp để nhận mã code, một lần đăng ký xét tuyển tại trường, một lần đăng ký xét tuyển trên hệ thống và một lần nộp lệ phí xét tuyển). Các quy chế tuyển sinh được ban hành khá muộn (6/6), hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành sau đó 3 tuần trong khi các phương thức xét tuyển sớm của hầu hết các trường trường đã triển khai trước đó 3 tháng.
Đồng thời, do là năm đầu tiên triển khai nên phần mềm xét tuyển chậm hoàn thiện, thời gian xét tuyển lọc ảo dài, xác nhận nhập học đến 2 lần và kéo dài. Lịch nhập học của thí sinh cũng chậm hơn so với những năm trước gần 1 tháng gây trở ngại không ít đến kế hoạch năm học của các trường.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Theo quy định đã ghi trong quy chế năm 2022, từ năm 2023 ngoài việc công bố đề án tuyển sinh của trường như mọi năm, các trường đại học phải công bố quy chế tuyển sinh của trường mình. Như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố quy chế tuyển sinh năm 2023, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc triển khai quy chế. Các trường có thể điều chỉnh các quy định tuyển sinh của mình cho phù hợp. Thêm nữa các quy định tuyển sinh cũng cần đơn giản hoá không quá phức tạp".
Nhìn nhận chung của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh là năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh khá muộn dẫn đến nhiều bất cập cho cả trường cũng như các thí sinh. Chính vì vậy, để kỳ tuyển sinh năm 2023 và các năm sau được diễn ra thuận lợi Bộ cần sớm ban hành các quy chế cũng như giữ tính ổn định, lâu dài./.