Chị dâu tôi có tính tiết kiệm đã ăn sâu vào máu. Có lẽ vì xuất phát từ một gia đình nghèo khổ nên chị ấy hình thành bản tính này từ bé. Giờ lấy chồng, kinh tế khá giả nhưng chị ấy vẫn không dám chi tiêu, lúc nào cũng thích để dành tiền, gửi vào tài khoản. Anh tôi hay lắc đầu thở dài bất lực với vợ, nói hình như chị chỉ có sở thích duy nhất là đếm nhẫn vàng, kiểm tra tài khoản ngân hàng thôi. Mỗi khi vợ chồng cãi nhau, chị lại đem số nhẫn vàng tích cóp được ra ngồi đếm hoặc đập con heo đất, đếm tiền cho vui. Ngay cả quần áo chị cũng mặc lại từ đồ cũ của tôi. Khi đi du lịch, tôi mua tặng chị bộ đồ mới, chị cười tít mắt, mừng lắm.

Thời gian gần đây, anh trai thường than vãn chuyện vợ học theo trào lưu nấu ăn 10 nghìn, 20 nghìn gì đó trên mạng xã hội và áp dụng vào bữa cơm gia đình. Một tuần, anh ấy chở 2 con đến nhà tôi ăn cơm 2 lần (vào ngày chị dâu tăng ca), lần nào 2 đứa nhỏ cũng ăn rất ngon miệng và chê món ăn mẹ nấu. Bọn nhỏ còn thèm thịt, trái cây, sữa chua.

Hôm qua, tôi mua ít nho cho con gái, sẵn tiện chạy đến nhà chị dâu, định bụng cho mấy đứa cháu ít nho ăn tráng miệng sau bữa tối. Tôi đến ngay lúc gia đình chị vừa dọn cơm ra. Chị dâu đon đả mời tôi cùng ăn. Nhưng nhìn mâm cơm mà tôi sửng sốt, thầm cảm phục sức chịu đựng của anh trai.

Mâm cơm chỉ có 2 quả trứng luộc, ít rau luộc, bát nước canh rau và bát nước mắm. Còn đĩa thịt kho thì giống như từ hôm trước đem hâm nóng lại để ăn tiếp. Tôi hỏi chị dâu ăn như vậy sao đủ sức khỏe, dinh dưỡng cho các cháu học tập? Chị ấy nhiệt tình giới thiệu cho tôi trào lưu mâm cơm 20 nghìn và nói mình đang học theo để tiết kiệm tối đa tiền bạc, để dành tiền cho các con ăn học sau này. Còn ăn rau rất tốt cho sức khỏe nên tôi cứ yên tâm.

Tôi lắc đầu chán nản. Sao chị ấy có thể tiết kiệm đến mức này, ngay cả mâm cơm cũng phải dè sẻn, không dám ăn uống thoải mái? Tôi nên khuyên chị dâu như thế nào để chị sống thoáng hơn, đừng quá lệ thuộc vào tiền bạc đây?