Dốc hết trái tim - Tổng đài "lắng nghe và giải đáp" tất tần tật về phụ nữ trên Afamily. Ở đây, phụ nữ có một nơi để trút bỏ không chỉ những tâm sự về tình yêu - hôn nhân, mà còn có thể nói về những ước mơ, hoài bão; bày tỏ quan điểm, thắc mắc muôn mặt về đời sống - xã hội; thậm chí kể câu chuyện đời mình... Với hình thức chia sẻ hai chiều, bạn gửi tâm sự về cho Tổng đài - Tổng đài gửi lại bạn hình ảnh minh họa tâm sự đó, hy vọng rằng đây sẽ là nơi gửi gắm tin tưởng của chị em. Ngay bây giờ, hãy dốc hết trái tim qua hòm mail: [email protected]
Thân gửi chị Hướng Dương
Em sống chung với mẹ chồng chị ạ. Nhưng chưa khi nào em cảm thấy tủi thân đến thế này.
Nhà chồng em mỗi chồng em với chị chồng. Chị chồng em ở nhà chồng, cuối tuần mới về chơi. Mà lần nào về, chị ấy đều trở thành khách quý trong nhà, còn em thành ô sin quay quắt với việc cơm nước hầu hạ vợ chồng chị ấy. Thậm chí có hôm em ốm sốt lăn ra nhưng mẹ chồng vẫn bắt em đi chợ mua cua về nấu bún riêu cho chị chồng ăn vì chị ấy thèm. Em than vãn với chồng, anh nói nhà có hai chị em, em cố gắng chiều chị ấy một chút. Em thật không hiểu, với họ, chị chồng là con cưng, còn em là con ghẻ hay sao đó?
Khi em và chị chồng cùng mang thai, cách đối xử cũng khác nhau hẳn. Mẹ chồng ăn một ngày gọi điện hỏi han chị chồng mấy bận. Chủ nhật chị ấy về, em cũng bầu mà vẫn phải nấu ăn, dọn ăn, còn chị ấy nằm khểnh xem điện thoại. Em buồn quá, xin về nhà đẻ ở vài ngày cho khuây khỏa thì mẹ chồng không cho.
Nhà em cách nhà chồng tới 200km, mẹ chồng nói sợ em đi xa ảnh hưởng đến cháu. Nhưng em hiểu, nếu em đi thì ai hầu hạ cả cái nhà này.
Ảnh minh họa.
Em sinh con ở nhà chồng. Chị chồng cũng về đây sinh. Em sinh sau chị ấy một tháng. Khi chị ấy sinh, mẹ chồng em toàn nấu mấy món ngon, lợi sữa cho chị ấy ăn. Đến lượt em, mẹ chồng toàn cho em ăn cơm với cá kho, trứng hoặc rau luộc cùng nước mắm.
Có hôm, em thấy mẹ chồng mua giò về hầm móng nhưng lại chỉ đem vào cho chị chồng ăn. Mâm cơm ở cữ của em vẫn chỉ là cá kho, rau luộc với mắm, đến một chút thịt cũng không có. Nói thật, ngày nào nhìn mâm cơm cữ, em đều cay xè mắt vì tủi thân. Ăn uống không đủ chất, lại thêm tinh thần không tốt nên sữa của em cứ ít dần, con cũng còi cọc hơn con chị chồng. Nhà chồng lại lấy đó làm lý do nói em không biết chăm con.
Hướng Dương ơi, không lẽ con dâu thì bị đối xử kiểu này sao? Em phải làm gì để họ thay đổi cách sống đây? Em cũng là con người mà. (Thu Tuyền)
Thu Tuyền thân mến
Chuyện làm dâu của em thật khiến người khác phải chạnh lòng thương cảm. Bầu bì vẫn phải hầu hạ chị chồng, đúng là khó chấp nhận được. Đặt trong hoàn cảnh ấy, chắc chắn ai cũng sẽ tủi thân, đau lòng cho thân phận của mình.
Sinh con đã khổ, đã khó lại gặp phải cách đối xử phân biệt như thế, em tủi thân cũng là điều dễ hiểu. Nhưng người đáng trách nhất trong chuyện này không phải mẹ chồng em mà chính là chồng em.
Mẹ chồng em vì thương con gái hơn con dâu nên mới hành dâu chiều con gái. Điều đó cũng là cách ứng xử chung của những bà mẹ chồng thôi. Người có thể thay đổi điều này chẳng ai khác chính là chồng em. Thế mà anh ấy lại bỏ mặc chính em chống chọi với mọi thứ.
Khi em bầu bí vẫn phải nấu nướng, chồng em có thấy không? Mâm cơm ở cữ của em và của chị mình, chồng em có thấy không? Nếu như có mà anh ấy vẫn im lặng, thì điều đó chứng tỏ trong mắt anh ấy, gia đình quan trọng hơn vợ con.
Em hãy mạnh mẽ xin về ngoại ở một thời gian khi con đầy tháng. Đừng sợ điều tiếng, đừng sợ bị mắng chửi. Bởi nếu còn ở lại, tinh thần em chắc chắn còn bị tra tấn hàng ngày, khi đó, khả năng em bị trầm cảm rất cao.
Mà trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng đến cả sức khỏe, tính mạng của em và con. Hơn nữa, ăn uống như thế kéo dài, sữa của em sẽ cạn kiệt. Vì thế, Hướng Dương mong em hãy sáng suốt, mạnh mẽ quyết định để đảm bảo an toàn cho chính mình và con. Nếu thương em, chồng em sẽ đến đón em về. Khi đó, em hãy nói hết những bức xúc ra để anh ấy biết đường nói lại với mẹ chồng. Còn nếu không, em hãy chuẩn bị tinh thần sống một mình với con. Chỉ cần mình hạnh phúc, con được phát triển tốt nhất là đủ với phụ nữ mình rồi em ơi. Tự do, mạnh mẽ, độc lập lên.
Thân gửi.