Khi yêu anh, tôi đã nhận được hàng loạt lời khuyên. Đa số đều khuyên tôi không nên yêu và cưới anh. Bởi nhà anh "keo kiệt theo dòng họ". Tuy nhiên lúc đó tôi quá yêu, lại thấy anh sòng phẳng nên bất chấp tất cả.

Những buổi đi ăn, đi chơi, anh đều chủ động đề nghị cưa đôi tình phí. Tôi chẳng bận tâm mấy vì tôi nghĩ điều đó cũng bình thường, tôi cũng không muốn ăn không của ai cả. Ngày lễ, sinh nhật tôi, anh đều tặng tôi những món quà tự làm. Tôi lại thích thú vì nghĩ anh trân trọng tình yêu, trân trọng tôi nên mới tự bỏ công sức làm. Sau này cưới rồi, tôi mới hay người ta nói đúng: chẳng phải anh trân trọng tôi mà vì anh sợ tốn tiền.

Về làm dâu nhà chồng, tôi phát hoảng bởi sự tính toán, chi tiêu quá mức cẩn thận của mọi người. Ngay ngày đi chợ đầu tiên, mẹ chồng tôi đã đưa cho tôi một cuốn sổ đen nhỏ. Mở cuốn sổ, tôi mới hay đó là cuốn sổ chi tiêu. Dù cho có mua 2 nghìn hành, hay gửi xe 3 nghìn đi nữa, tôi cũng phải ghi lại rồi tối về tính toán. Mỗi tháng, vợ chồng tôi phải đưa mẹ chồng 4 triệu để dành dụm. Mà số tiền đó, giờ tôi cũng chẳng lấy lại được.

Nhìn mâm cơm ở cữ do chính tay chồng nấu, tôi khóc không ra tiếng vì quá uất ức - Ảnh 1.

Về làm dâu nhà chồng, tôi phát hoảng bởi sự tính toán, chi tiêu quá mức cẩn thận của mọi người. (Ảnh minh họa)

Hàng ngày, mẹ chồng cho vợ chồng tôi ăn toàn rau luộc, trứng luộc. Thi thoảng lắm trên bàn ăn mới có vài con cá hoặc một tí thịt. Ăn uống kham khổ đến mức tôi thèm thịt, phải về nhà đẻ để ăn. Mẹ tôi thương con gái, cho hẳn vợ chồng tôi khi thì gà, khi thì cá đem về ăn. Người ta có chồng thì mập lên, tôi đây có chồng, người cứ xanh xao, ốm yếu dần.

Ở chung được nửa năm, vợ chồng tôi ra ở riêng. Cũng từ đây, chồng tôi bộc lộ bản tính keo kiệt, chi li đến đáng sợ. Nói không ngoa chứ anh còn keo hơn cả mẹ chồng tôi.

Lương hàng tháng, anh bảo đưa anh giữ. Rồi hàng ngày, anh phát cho tôi 30 nghìn để xăng xe, ăn trưa, ăn sáng. Anh tính rất rõ ràng, xe một tuần mới đổ xăng một lần nên 30 nghìn là đủ rồi. Tôi muốn mua cái váy mới đi dự cưới hay mua thỏi son, hộp phấn đều phải lén lút xin tiền mẹ mình mua. Nhiều khi nghĩ thấy tủi nhục, có chồng xong, tôi chẳng cho tiền mẹ đồng nào mà còn bòn rút thêm.

Nhìn mâm cơm ở cữ do chính tay chồng nấu, tôi khóc không ra nước mắt - Ảnh 2.

Khi tôi có bầu, tình hình cũng chẳng cải thiện gì. Những bữa cơm quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài món rau canh rẻ tiền. Đồ bầu tôi mặc, chồng tôi cũng đi xin về chứ chẳng mua cho vợ cái mới. Anh nói mua mới rồi mặc mấy tháng cũng bỏ lại phí tiền. Tôi phản đối, tranh cãi thì anh giở giọng vũ phu, sợ bị đánh, tôi đành bấm bụng khóc nghẹn.

Tôi sinh con được 20 ngày nay nhưng người lúc nào cũng uể oải, chán chường, thiếu sức sống. Ai đến thăm, nhìn thấy mâm cơm ở cữ của tôi cũng nghẹn ngào thương xót thay. Mâm cơm chỉ có mỗi bát cơm, một bát nước mắm và một bát thức ăn. 

Khi thì hai con cá nhỏ xíu kho, khi thì mấy miếng thịt luộc cắt mỏng. Đu đủ hầm móng giò trở thành món xa xỉ khi tôi chỉ ăn đúng một lần. Ăn uống kham khổ nên tôi không có sữa nhiều. Con khát sữa khóc ngặt đi. Bảo chồng mua thêm sữa ngoài, anh cũng lơ đi không mua.

Tôi chán quá. Thương mình một, tôi thương con mười. Nhiều lúc ôm con, tôi chỉ biết khóc và suy nghĩ cách thoát khỏi chồng keo kiệt. Nhưng không lẽ con tôi mới sinh chưa đầy tháng đã mất hơi ba rồi sao?