Chuẩn bị nguyên liệu
  • 1. Hạt mè đen 150gr
  • 2. Gạo nếp 50gr
  • 3. Nước cốt dừa 400ml
  • 4. Gia vị Đường kính, muối

Mai là cuối tuần, lại vẫn đang trong thời gian giãn cách nên chúng ta cũng không nên đi đâu. Tranh thủ nhiều thời gian, chị em hãy vào bếp nấu nồi chè mè đen - cốt dừa theo gợi ý của chúng tôi sau đây. Thao tác khoảng 30 phút là xong nhưng thành phẩm không chỉ ngon mà còn có rất nhiều lợi ích tới sức khỏe nữa đó.

Nhìn qua tưởng bát thạch đen nhưng đây lại là món chè vừa ngon vừa bổ - Ảnh 1.

Chè mè đen - cốt dừa nè

Cách nấu chè mè đen - cốt dừa

1

Rang hạt mè

Bạn cho phần hạt mè đã chuẩn bị vào chảo, bật bếp với ngọn lửa vừa và đảo đều tay, liên tục khoảng 3 phút. Sau đó, bạn tắt bếp vào tiếp tục đảo thêm khoảng 2 phút nữa là hạt mè chín, tỏa mùi thơm.

Nhìn qua tưởng bát thạch đen nhưng đây lại là món chè vừa ngon vừa bổ - Ảnh 3.

Rang hạt mè trên lửa vừa khoảng 2-3 phút rồi bạn tắt bếp và tiếp tục đảo thêm 2 phút nha!

2

Xay gạo nếp với mè đen 

Bạn cho phần mè đen vừa rang vào máy xay sinh tố cùng 50gr gạo nếp và 1.2 lít nước. Bấm máy xay nhuyễn hỗn hợp rồi lọc qua rây để loại bỏ bã.

Nhìn qua tưởng bát thạch đen nhưng đây lại là món chè vừa ngon vừa bổ - Ảnh 5.

Xay gạo nếp, mè đen đã rang với 1.2 lít nước rồi lọc bã

3

Nấu chè mè đen

Bạn cho hỗn hợp nước mè đen, gạo nếp vào nồi cùng 250gr đường kính. Vừa đun, vừa khuấy hỗn hợp trên ngọn lửa vừa cho đến khi hỗn hợp sôi lăn tăn thì thêm 400ml nước cốt dừa vào. Nấu thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp. Múc chè ra bát là xong!

Nhìn qua tưởng bát thạch đen nhưng đây lại là món chè vừa ngon vừa bổ - Ảnh 7.

Thành phẩm nè!

Vậy là chỉ với 3 thao tác đơn giản chưa đầy 15 phút là chị em đã có ngay bát chè thơm mùi hạt mè và cốt dừa để thưởng thức rồi. Bạn có thể múc chè ra bát, đợi nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng mới ăn. Như vậy chè sẽ lành lạnh, ăn thìa nào phê thìa nấy!

Một vài công dụng của hạt mè mà có thể bạn chưa biết

1. Giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Hạt mè đen có thể giúp giảm cholesterol và lượng chất béo trung tính cao. Điều này làm giảm yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

Hạt mè có 15% chất béo bão hòa, 41% chất béo không bão hòa đa (chất béo không no đa nguyên) và 39% chất béo không bão hòa đơn. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn nhiều chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn so với chất béo bão hòa có thể giúp giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, loại hạt này chứa hai hợp chất thực vật là lignans và phytosterol cũng có tác dụng giảm nồng độ cholesterol.

2. Cung cấp lượng protein thực vật dồi dào

Nếu ăn 30gr hạt mè, cơ thể bạn sẽ được cung cấp 5gr protein. Protein rất cần thiết cho sức khỏe của con người vì giúp xây dựng mọi thứ từ cơ bắp đến hormone. Do đó, hạt mè là một nguồn cung cấp protein từ thực vật tương đối cao.

Để tối đa hóa lượng protein sẵn có, bạn hãy ngâm hoặc rang mè đen trước khi dùng. Quá trình rang giúp làm giảm oxalat và phytates có trong loại hạt này. Đây là hai hợp chất gây cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu protein của cơ thể.

Đáng chú ý, hạt mè có hàm lượng lysine thấp, một loại axit amin thiết yếu có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật. Do đó, nếu là người ăn chay, bạn có thể bù đắp loại axit amin này cho cơ thể bằng cách tiêu thụ các loại đậu như đậu thận và đậu xanh vì chúng có hàm lượng lysine cao. Mặt khác, hạt mè chứa nhiều methionine và cysteine, hai loại axit amin mà các loại đậu không có nhiều.

3. Tốt cho người bị huyết áp cao

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và đột quỵ. Hạt mè rất giàu magie, khoáng chất có tác dụng giúp giảm huyết áp. Ngoài ra, lignans, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác trong hạt mè có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám hình thành trong động mạch, có khả năng duy trì huyết áp khỏe mạnh.

Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chị em sẽ có thêm một món chè vừa ngon vừa bổ để thưởng thức cùng gia đình.

Chúc bạn thành công với cách nấu chè mè đen - cốt dừa này nhé!