Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Dù đau cũng phải nói, ta chưa thực sự trung thực trong giáo dục”. Theo Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương thì Phó Thủ tướng đã nói ra một thực tế nhiều người thấy nhưng không nhiều người nói công khai.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh giáo dục cần hướng tới việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ bộ máy hành chính giáo dục phải biết “lùi lại” và “kiềm chế” để người thầy và nhà trường được làm thật, sống thật, chấp nhận kết quả thật.

Làm được ít nhưng làm thật vẫn tốt hơn là làm nhiều nhưng làm giả. Nhiều nhà trường, thầy cô không muốn gian dối trong báo cáo nhưng khi cơ quan hành chính giáo dục đặt áp lực về các chỉ số đẹp, kết quả tốt mà nền tảng, thực lực không thể đáp ứng thì họ phải chế tác số liệu, phải gian dối để tồn tại.

Nhìn thẳng vào sự thật ngành giáo dục: Để người thầy được làm thật, sống thật - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Là người gắn bó với ngành giáo dục, theo ông bài toán này còn có “điểm nghẽn” nào khác không?

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Điểm nghẽn nằm ở tính chất quan liêu tập quyền của hành chính giáo dục. Muốn cải tiến phải cải cách theo hướng dân chủ hóa để khuyến khích sự năng động của nhà trường, giáo viên. Giáo viên, nhà trường phải cảm thấy càng cải cách, càng trung thực bản thân mình càng được lợi và được tôn vinh thay vì là ngược lại.

Phải thấy học thật là quan trọng

PV: Nền giáo dục cần hướng tới việc trung thực để “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, vậy mấu chốt của bài toán này là gì, thưa ông?

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Ngoài chuyện vĩ mô là dân chủ hóa giáo dục, thì các khâu tuyển dụng, tuyển sinh cần minh bạch, công khai và hợp lý. Nếu như hệ thống công còn tuyển dụng và sử dụng những người bằng giả, học kém, thành tích ảo, năng lực không đáp ứng đủ yêu cầu công việc thì sẽ còn chuyện không trung thực. Phải làm sao để chuyện không trung thực không đem lại một giá trị thực tiễn hoặc ý nghĩa gì từ đó người ta sẽ chán mà từ bỏ.

Nên tuyển dụng, thăng thưởng dựa trên năng lực và thành tích công việc thực tiễn. Ngoài ra cần có cơ chế cạnh tranh công bằng, minh bạch, hợp lý để tuyển được người thích hợp nhất, người có năng lực nhất trong số những người dự thi vào vị trí công việc đó. Khi các cơ quan, công ty, tổ chức đánh giá như vậy, người ta sẽ thấy học thật là quan trọng, những cái khác là không quan trọng lắm thậm chí không quan trọng gì.

PV: Theo ông, vậy đâu là lý do chính dẫn đến tình trạng không trung thực trong giáo dục, thưa ông?

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Lý do theo tôi nằm ở cơ chế quản lý và tâm lý xã hội. Cơ chế quản lý tạo ra kẽ hở và duy trì những kẽ hở để cho những chuyện không hay tồn tại. Dân gian nhìn vào những người gian dối gặt hái được quyền lợi này kia thì học theo và tạo ra một thứ tâm lý xã hội nguy hiểm.

PV: Theo ông, chúng ta nên làm gì để có nền giáo dục thực học, thực tài, thực sự làm thay đổi giáo dục Việt Nam?

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Về lâu dài thì cải cách hành chính giáo dục theo hướng dân chủ hóa, tôn trọng địa phương, nhà trường, giáo viên, trao cho họ tối đa quyền tự chủ về quản trị, nội dung, phương pháp…là hướng chiến lược.

Các cơ quan quản lý giáo dục nên chuyển đổi từ kiểm tra, giám sát, xử lý sang thành tư vấn, hỗ trợ, đồng hành với nhà trường, giáo viên. Làm sao để nhà trường, giáo viên không phải sợ rồi đâm ra đối phó. Trước mắt cần thay đổi tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực công để đảm bảo công bằng, tức là tuyển dụng dựa vào thực lực, thực tài.

Ở phạm vi trường học, cần trao quyền tự chủ đánh giá cho các giáo viên phổ thông, hạn chế các cuộc thi đã mất ý nghĩa như giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Các cuộc thi chung cũng nên giới hạn tối đa. Giáo viên là người hiểu học sinh của mình nhất. Học được thế nào đánh giá thế ấy. Giáo viên vui với sự tiến bộ của học sinh thường ngày thay vì phải gồng lên để cạnh tranh với lớp nọ lớp kia, trường nọ, trường kia.

Trong giáo dục hợp tác luôn quan trọng hơn cạnh tranh. Thi đua thật ra là cạnh tranh và điều đó không có lợi cho giáo dục. Theo tôi nên bỏ phong trào thi đua trong giáo dục. Thay vào đó hãy kêu gọi và tạo điều kiện cho các trường phát huy tối đa sự tự chủ, năng động của mình.

Xin cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 80 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Thư nhà…

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.