Phạm Ngọc Ánh (22 tuổi, quê tại tỉnh Yên Bái) vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội với thành tích xuất sắc, là thủ khoa đầu ra. Hiện Ngọc Ánh đang thử sức với nhiều vai trò khác nhau như: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy môn Sinh học. Nữ sinh muốn trải nghiệm nhiều, làm ở các vị trí khác nhau để hiểu hơn về bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Trở thành thủ khoa không phải là điều dễ dàng. Trên chặng đường chinh phục học thuật, Ngọc Ánh đã nỗ lực rất nhiều. Thậm chí, có thời điểm em từng suy nhược cơ thể vì dành quá nhiều thời gian cho việc học. Tuy nhiên sau đó, em đã cân bằng được bởi có cho mình những phương pháp học hiệu quả.
Một số thành tích xuất sắc mà nữ sinh Phạm Ngọc Ánh đạt được:
- Điểm trung bình toàn khóa học: 3.98/4.00; 9.36/10.00.
- Điểm rèn luyện toàn khóa học: 91/100 (Xuất sắc).
- Tốt nghiệp loại Xuất sắc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022.
- Thủ khoa đầu vào khối B trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018.
- Giải Nhì trong cuộc thi Olympic Sinh học sinh viên toàn quốc lần thứ nhất năm 2020.
- Danh hiệu Sinh viên Xuất sắc năm học 2018 – 2019, 2019 – 2020, 2020 – 2021.
- Giải Nhì Giải thưởng Khoa học công nghệ cấp trường dành cho sinh viên năm học 2021 - 2022.
- Giải Nhì giải thưởng "Sinh viên Nghiên cứu khoa học" cấp trường năm học 2020 - 2021.
- Giải Nhì Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Sinh học năm học 2020 - 2021.
- Giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Sinh học năm học 2021 - 2022.
- Học bổng Vallet của Tổ chức Khoa học và Giáo dục gặp gỡ Việt Nam năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021.
- Giải Nhất cuộc thi Science - A - Thon tổ chức tại Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ 9 với đề tài: Những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi ưu tiên sử dụng kháng sinh ở người Việt Nam.
Nhen nhóm nghề trồng người từ người thầy vĩ đại!
Ngọc Ánh chia sẻ, ngay từ hồi học cấp 2, em nhận thấy bản thân học tương đối đều các môn. Em từng tham gia một số cuộc thi ở môn tiếng Anh và Ngữ Văn. Vào cuối lớp 9, nữ sinh tự đặt ra cho mình một thử thách nhỏ: Nếu đạt được giải Ba trở lên trong kỳ thi HSG cấp tỉnh thì em sẽ học chuyên Văn sau khi lên cấp 3. Nhưng cuối cùng, thành tích của Ánh dừng lại ở giải Khuyến khích.
Vì thế, khi bước vào bậc THPT, Ánh quyết định theo học khối Khoa học Tự nhiên. Trong tổ hợp các môn, nữ sinh học kém nhất Sinh học. Ánh nhớ mãi về bài kiểm tra đầu tiên khi mới nhập học, trong khi các bạn cùng lớp được điểm giỏi thì em chỉ nhận được điểm 7.3. Điểm số thấp đã khiến em rơi vào hoang mang, lo lắng.
Em hiểu rằng bản thân cần nỗ lực học tập rất nhiều mới có thể "trụ" được tại lớp chọn. Sau đó, em quyết định tới gặp thầy Dương Thanh Tú - Giáo viên giảng dạy đội tuyển môn Sinh học HSG của trường để xin vào lớp với mong muốn sẽ nâng cao năng lực. "Em nghĩ tự tạo môi trường học tập cũng rất quan trọng. Việc học cùng các bạn giỏi sẽ giúp em khá lên nhiều!", nữ sinh bày tỏ.
Ánh chia sẻ, sự may mắn lớn nhất của em là được học lớp của thầy Dương Thanh Tú. Thầy luôn nhìn được ra tiềm năng của học sinh và dành những lời khen đúng lúc để khích lệ tinh thần. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà một người giáo viên cần phải có. Nhờ được thầy dìu dắt, Ánh từ một cô học sinh học kém đã giành được nhiều thành tích nổi bật ở môn học này.
Nữ sinh hạnh phúc chia sẻ: "Em nhớ mãi buổi học về một dạng bài tập mà em làm rất kém. Em từng rất sợ và không dám đối mặt với dạng bài đó. Nhưng nhờ sự động viên của thầy Tú đã giúp em cố gắng hoàn thành. Thấy kết quả, thầy còn dành cho em những lời khen ấm áp: "Ánh làm tốt, tư duy rất tốt".
Những lời khen giản dị ấy đã giúp em trở nên tự tin hơn. Em không còn cảm thấy bản thân yếu kém nữa. Thầy Tú chính là người thầy vĩ đại trong em, là người chắp cánh ước mơ cho em thi vào ngành Sư phạm, theo đuổi môn Sinh học. Em muốn sau này trở thành một giáo viên có tâm như thầy, luôn hỗ trợ học sinh hết mình".
Khi điền nguyện vọng để nộp hồ sơ vào Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy cô giáo cùng gia đình chưa thực sự tin Ngọc Ánh. Mọi người sợ nữ sinh sẽ khó xin việc sau khi ra trường bởi chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ở địa phương không cao. Gạt bỏ mọi định kiến, Ánh vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Tuy nhiên, Ngọc Ánh đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong quá trình làm hồ sơ. Em đăng ký "Sinh học", thay vì "Sư phạm Sinh học". Em đã rất hốt hoảng, lo lắng, tham khảo ý kiến mọi người về cách khắc phục. Trong hoàn cảnh éo le ấy, một lần nữa Ánh lại được thầy Dương Thanh Tú khích lệ tinh thần. Thầy khuyên em vẫn có thể trở thành giáo viên nếu sau này học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Ép bản thân phải hoàn hảo, từng học đến suy nhược cơ thể
Ngay từ khi bước chân vào Đại học, Ngọc Ánh đặt ra mục tiêu cho mình phải đạt GPA 4.0/4.0 - điểm tuyệt đối ở tất cả các kỳ học. Khoa Sinh học mà em chọn chưa từng có thủ khoa, điều này càng thôi thúc sự quyết tâm trong em. Trong 3 học kỳ đầu, Ánh đạt được điểm tối đa. Nhưng đến học kỳ thứ 4, Ánh được GPA 3.98 do có 2 môn chỉ đạt B+.
Việc ép bản thân đạt đến ngưỡng hoàn hảo khiến Ngọc Ánh luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Đỉnh điểm là khi bước ra từ phòng thi ở kỳ học thứ 4, em đã nôn thốc nôn tháo. Cơ thể em bị suy nhược nghiêm trọng, sức khỏe giảm sút trông thấy.
"Em nhận ra rằng nếu cứ duy trì trình trạng học tập như này sẽ khiến em đánh mất nhiều thứ quý giá. Vì thế, em đã thay đổi phương pháp, duy trì tinh thần thoải mái để có thể thăng hoa trong việc học, phát triển bản thân theo cách tích cực", nữ sinh Yên Bái chia sẻ.
Một số phương pháp học tập hiệu quả mà Ngọc Ánh thực hiện, giúp em trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Sư phạm Hà Nội:
- Đọc kỹ SGK, giáo trình: Đọc SGK, giáo trình có thể tạo nên một thủ khoa trong trường hợp bạn luôn thắc mắc và không ngừng đặt ra những câu hỏi, thậm chí băn khoăn cả tiêu đề bài học. SGK, giáo trình rất hay bởi nó chứa trọn kiến thức được coi là tinh hoa. Đặt ra câu hỏi chính là cách củng cố kiến thức, nâng cao tư duy và biết vận dụng vào thực tế. Ngược lại những bạn đọc theo kiểu hời hợt sẽ không mang lại hiệu quả cao trong quá trình học tập.
- Không cần nhớ nhiều công thức: Trước đây, Ngọc Ánh từng rất sợ các bài tập tính toán bởi phải nhớ quá nhiều công thức khiến em bị rối trí. Sau này, em rút ra được một phương pháp cho riêng mình là: Nắm vững lý thuyết để tự xây dựng công thức sẽ giúp nhớ lâu hơn. Nữ sinh không còn học công thức một cách máy móc mà luôn cố gắng liên kết với bài tập.
- Luôn chuẩn bị bài trước khi đến lớp: Ngọc Ánh luôn cố gắng chuẩn bị bài học trước khi lên lớp. Khối lượng kiến thức Đại học rất rộng, do đó các giảng viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, chứ không sát sao như ở bậc THPT. Vì vậy, nữ sinh luôn chuẩn bị bài trước để đến lớp thảo luận cùng bạn bè, thầy cô, thay vì ngồi nghe thụ động. Điều này giúp em vừa tiếp thu kiến thức sâu vừa tiết kiệm thời gian.
- Lập kế hoạch chi tiết cho bản thân: Trước mỗi kỳ học, Ngọc Ánh luôn lập kế hoạch, xây dựng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn rõ ràng. Nữ sinh nhận định đây là kỹ năng rất quan trọng, mở ra cơ hội thành công trong tương lai. "Làm việc có kế hoạch sẽ không bị gấp rút, giúp em làm chủ được cuộc chơi, thay vì bị động", Ngọc Ánh nhấn mạnh.
"Không gì là không thể" là câu nói truyền động lực cho Ngọc Ánh trong quá trình chinh phục học thuật. Em luôn không ngừng khám phá bản thân để tìm kiếm sự đột phá, không chịu đi theo những lối mòn tẻ nhạt, đơn điệu.