Ngày ấy mỗi lần cà pháo đơm hoa, kết trái, là các dì, các mẹ rủ nhau ra chợ mua vại sành. Những quả cà mẹ hái vào hãy còn đọng sương đêm, được cắt tai, rửa sạch và phơi qua vài nắng. Mẹ nói rằng, muốn cà pháo được giòn, ăn không bị nhũn, cắn nghe cái “rụm” thì phải phơi “được” nắng. Xong xuôi thì cho cà, tỏi, ớt, gừng vô vại, đổ nước ấm vào, thêm chút muối cho vừa ăn. Chiếc vại sành được mẹ lèn chặt bằng một tấm mành tre đan mỏng để cà không đen, rồi mẹ còn cẩn thận dằn thêm vài hòn gạch lên trên. Vậy là vại cà yêu quý được cất vào một góc, chờ ngày đưa lên mâm.
Một tuần chờ đợi cà chín, một tuần thèm ngửi cái vị chua chua bốc lên từ vại sành, tôi cũng được mẹ cho nếm trái cà pháo đầu tiên. Bình thường mẹ hay cho ăn cà dầm mắm nêm nhưng bữa cơm hôm ấy, mẹ nấu thêm một nồi canh đậu xanh. Những hạt đậu xanh được bóc vỏ bỏ vào nồi nước đang sôi, đun kỹ cho tới lúc nát nhừ. Nêm một chút muối, một chút bột ngọt là xong. Trên mâm cơm hôm ấy còn có một đĩa cá kho, một chén cà và một tô canh đậu xanh nhưng với tôi đó là bữa cơm ngon nhất. Trái cà pháo đưa vào miệng cắn giòn tan, húp thêm một muỗng canh, cái vị chua – ngọt – mát cứ lan dần xuống tận dạ dày.
Bây giờ đi học xa, tôi không còn cơ hội được ăn món canh đậu xanh kèm cà pháo muối của mẹ nữa. Cà pháo bây giờ cũng không được rẻ và ngon như cà pháo ở nhà. Cà pháo muối sẵn bán đầy chợ mà sao ăn không giòn, không ngọt như cà pháo muối của mẹ. Mỗi lần cầm chén cơm, lại nhớ món canh đậu xanh, cà pháo muối, nhớ mẹ đến quay quắt.