Tôi lớn lên không nhớ gương mặt cha, chưa từng được ngồi công kênh trên vai của bố. Lớn lên với những kỉ niệm về mẹ một người vừa làm cha vừa làm mẹ của bốn chị em gái chúng tôi.
Mẹ là giáo viên cấp 1 quay cuồng với cơm áo gạo tiền và bốn đứa con gái bé bỏng. Bố tôi ra đi khi tôi tròn hai tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi bốn chị em chúng tôi nên người như ngày hôm nay. Và giờ khi đã làm vợ, làm mẹ của hai đứa con tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất vả khó khăn và cảm phục mẹ người đã hi sinh tất cả để chị em chúng tôi được như ngày hôm nay.
Cái thời của mẹ, làm giáo viên nghèo lắm. Hai năm chăm sóc chồng bệnh và rồi bố tôi cũng đã ra đi mãi mãi. Một mình mẹ vẫn vững vàng đi tiếp bởi bên mẹ còn có đàn con nheo nhóc trông theo. Làm giáo viên nghèo, mẹ phải xin nghỉ hưu sớm để tìm việc khác lấy kế sinh nhai nuôi chị em chúng tôi. Mẹ bỏ nghề giáo viên để đi bán thịt bò, mẹ dậy sớm khi chị em chúng tôi còn đang ngủ say, mẹ đi lấy hàng và mang ra chợ bán. Ngày đó ngoài giờ đi học chúng tôi ở nhà tự chăm sóc nhau, tôi thường theo các chị đi cất tôm cất vó kiếm con cá con cua về cải thiện bữa ăn. Sẩm tối tôi lại ra đầu ngõ ngóng mẹ về. Ngày đó tôi ao ước một vòng tay của mẹ ôm ấp nói nựng yêu thương. Chính vì vậy tôi chỉ mong tôi ốm để được mẹ bế, được mẹ vỗ về trong vòng tay mà nào tôi có hiểu, mỗi lần tôi ốm là mỗi lần mẹ lại thức trắng đêm để chăm tôi. Nhưng mẹ một giáo viên cấp 1 thật thà, buôn bán không hợp. Một buổi đi chợ hôm có ít lãi hôm không có tí lãi nào. Mẹ lại đành bỏ nghề buôn bán. Ở nhà nhận trông giữ trẻ em. Vì mẹ có tiếng là cẩn thận, lại thêm nghề giáo nữa nên nhiều người nhờ mẹ trông con cho họ. Vậy là mẹ lại được tiếp tục nghề chăm trẻ. Chúng tôi cứ thế lớn lên với những nhọc nhằn của mẹ. Cả bốn chị em tôi đều gia sức học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Ngày tôi nhận tấm bằng đại học là ngày mẹ vui mừng khôn xiết. Giờ đây mẹ có thể thư thả với những ngày nghỉ ngơi không phải bươn trải cuộc sống như ngày nào nữa. Mỗi ngày nghỉ làm tôi lại tranh thủ về với mẹ.
Nhưng thời gian cứ thế trôi đi, tôi lấy chồng, có con và đi làm ở một nơi xa nhà 100km. Quay cuồng với cuộc sống, công việc, con cái, tôi chợt quên mất một điều đó là về thăm mẹ. Mẹ có bốn người con, nhưng khi về già mẹ lại vẫn cứ một mình trong ngôi nhà xưa ấy. Mẹ lúc nào vẫn vậy: “Mẹ khỏe các con không phải lo cứ yên tâm đi làm và chăm các cháu”. Mẹ gọi điện hỏi thằng cu lớn dạo này đi học có ngoan không, thằng cu bé có hay ốm không. Ấy vậy mà… Một tuần nay không thấy bà gọi điện. Tôi chợt nhớ, có điều gì lạ. “Mẹ khỏe”. Nhưng thực ra bà vừa mới ốm dậy. Chị cả đã gọi cho tôi nói, mẹ bị ốm nhưng không muốn phiền các con. Mẹ mệt không đi ra ngoài được, phải lết người ra mở cửa cho hàng xóm vào giúp đỡ. Ấy vậy mà mẹ không gọi cho tôi, hay gọi cho các chị tôi. Chợt nhận ra đã bao lâu nay mình vô tâm quá. Nhớ ngày nào tôi ốm, được mẹ ôm ấp trong vòng tay. Cái cảm giác ấm cúng đó làm sao tôi quên được. Vậy mà giờ mẹ ốm, tôi không về ôm mẹ, không chăm sóc nấu cho mẹ bát cháo. Chợt nước mắt lăn dài. Bao lâu nay cứ vì cái lý do nhà xa, con nhỏ mà tôi bỏ quên điều gì đó thiêng liêng. Tôi sẽ phải thay đổi, thay đổi thật nhanh bởi thời gian không cho tôi quá nhiều nữa. Mẹ đã 69 tuổi rồi.
Giờ đây, khi ngắm nhìn mẹ vui đùa với các cháu, ngắm nhìn lại bức ảnh này tôi không khỏi nao lòng khi nhớ mình đã từng để lãng quên một điều quan trọng nhất chỉ vì bận bịu với cuộc sống. Tự hứa với lòng mình, sẽ cố gắng dành thật nhiều thời gian có thể về thăm mẹ, nói chuyện với mẹ nhiều hơn để mẹ có những phút giây vui nhất bên đàn con cháu.