Tuy nhiên, rậm lông không phải là nguyên nhân chính để chị đi khám bệnh. Chị đến khám vì lý do vô kinh. Sau khi khám bệnh, các bác sĩ phát hiện ra "chị" có hẳn hai tinh hoàn ẩn dưới bộ phận sinh dục nữ! Xét nghiệm nhiễm sắc thể, "chị" mang nhiễm sắc thể di truyền 46XY, vốn của đàn ông. Các bác sĩ kết luận, "chị" vốn là một người đàn ông ẩn mình dưới hình dáng của một phụ nữ.
Dùng dao cạo không phải là giải pháp triệt lông triệt để. Tốt nhất là chấp nhận sống chung với... lông. |
Sự trục trặc của chị chính là do tinh hoàn bị nữ tính hóa. Mặc dù bệnh nhân vẫn có hai tinh hoàn, tinh hoàn vẫn bài tiết ra testosteron nhưng cơ thể không nhạy cảm với chất này (mà ngược lại nó lại nhạy cảm với estrogen - chất quy định đặc điểm nữ giới), do vậy mặc dù có tinh hoàn nhưng vẻ bên ngoài lại biểu hiện như là phụ nữ (da mịn màng, vú phát triển). Song chị không có “5 ngày mỗi tháng” và đương nhiên không thể mang thai được.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt tinh hoàn và cho chị sử dụng thêm hormon sinh dục nữ; tạo hình âm đạo để chị sống hoàn toàn dưới dáng vẻ người phụ nữ, mặc dù chị không có khả năng sinh đẻ.
BS Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện phụ sản TW cho biết, bệnh viện cũng có gặp một số trường hợp sau khi lập gia đình nhưng không quan hệ vợ chồng được. Lúc đó người vợ mới đi khám và phát hiện mình thực ra là đàn ông.
Với những người "phụ nữ" này, các bác sĩ cho rằng cần thiết phải cắt đi tinh hoàn lạc chỗ để về sau tránh bị ung thư.
Tuyệt vọng vì không thể… mặc váy
Tuy nhiên trường hợp rậm lông của VĐV điền kinh kia là ca khá hy hữu vì giới tính lạc chỗ. Tuyệt đại đa số “”bệnh nhân” còn lại đều nữ tính đầy mình. Một chị là nữ diễn viên của đoàn nghệ thuật uy tín đau khổ thổ lộ với bác sĩ là từ khi biết làm dáng đến bây giờ, không bao giờ chị dám mặc váy và quần soóc. Nhất dáng, nhì da, chị đều có cả, nhưng cái không cần là những sợi lông đen nhánh thì lại tự nhiên như ruồi “xâm lược” khắp chân tay.
Hai năm trước, vì quá “căm thù” những “vị khách không mời” này, chị đã làm một cuộc tổng tấn công. 10 ngày sau khi những chiếc dao cạo “làm cỏ” đám lông vô tổ chức ở chân tay, mép, chị rụng rời thấy chúng tái xuất hiện hoành tráng hơn và cứng như rễ tre. Hoảng hốt, chị lại “ủy quyền” cho đám dao cạo làm việc. Nhưng rồi, lần thứ 3 đám lông ấy lại tiếp tục đồng khởi.
Tuyệt vọng, chị đến với các bác sĩ. Sau khi nghe giải thích, chị mới ngộ ra việc làm của mình là công cốc.
Ở nam giới thì tinh hoàn bài tiết ra testosteron. Chất này làm cho nam giới có đặc điểm là nhiều lông chân, lông tay, ria mép… Còn cơ thể người phụ nữ có hai loại hormon do buồng trứng tiết ra là estrogen và progesteron. Hai loại hormon này quy định đặc điểm về nữ giới như hình dáng mềm mại, da dẻ mịn màng…
Tuy nhiên buồng trứng của nữ giới bình thường cũng sản xuất ra một lượng rất nhỏ chất testosteron. Nếu buồng trứng nào “hứng chí” sản xuất chất này nhiều hơn bình thường, mà các lỗ chân lông rất nhạy cảm với testosteron, thì người phụ nữ đó sẽ bị rậm lông.
Cũng có một vài bệnh nhân rậm lông đến mức gần như có… râu quai nón. Những người này, sau khi đến bệnh viện điều trị rối loạn kinh nguyệt và vô sinh thì tình trạng khốn khổ “râu ria hoành tráng” đã được cải thiện chút ít.
Chấp nhận sống chung với… lông
Theo bác sĩ Nguyễn Việt Tiến, những phụ nữ mắc chứng rậm lông cần phải chấp nhận một thực tế: Không thể tiêu diệt vĩnh viễn “bệnh lý” này mà chỉ có thể làm giảm sự bành trướng của “đội quân nhỏ màu đen”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu, Phó trưởng khoa lazer phẫu thuật - Viện Da liễu TW - đã từng sống ở Pháp, một nước có nền y học hiện đại, nhưng vẫn thấy nhiều phụ nữ “điều trị” chứng rậm lông bằng… dao cạo. Họ bôi xà phòng và thực hiện những thao tác y hệt cánh đàn ông mỗi sáng “tàn sát” bộ râu. Dĩ nhiên, đã chấp nhận phương pháp này, thì phụ nữ cũng phải chấp nhận tần suất 2 - 4 ngày lại phải “khua dao” một lần, nếu không muốn chứng kiến đám lông mọc lại đen và cứng hơn.
Một số phụ nữ khác thì dùng… nhíp để “bóc gỡ” từng “kẻ thù” một. Tuy nhiên, cách triệt phá truyền thống và thô sơ này, nhiều khi cũng gặp biến chứng đó là viêm nang lông: Nổi mụn, nhọt sần sùi.
Lời khuyên cho người “trảm” lông bằng dao cạo Theo các chuyên gia, triệt lông bằng dao cạo dễ gây viêm nang lông. Vì thế, khi triệt lông, không nên dùng dao cạo nhiều lưỡi và không kéo căng da khi cạo (dễ làm tổn thương da). Trước khi cạo và khi đã bị viêm, cần bôi các loại thuốc sát khuẩn bình thường. Viện Da liễu TW đang nghiên cứu chế ra một chất sát khuẩn dạng kem, dùng bôi trước khi cạo lông. “Hiện Viện đang tuyển người làm thí nghiệm. Những người đến còn được trả tiền” – BS Nguyễn Hữu Sáu, Phó trưởng khoa lazer phẫu thuật - Viện Da liễu TW - cho biết. |