Liên quan đến vụ việc lốc xoáy kinh hoàng xảy ra tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc làm chết 3 người và hơn 20 người bị thương vào chiều 10/6. Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã và đang có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc để khắc phục hậu quả do trận lốc xoáy kinh hoàng gây ra.
Sáng 11/6, có mặt tại hiện trường, nhiều công nhân may mắn sống sót sáng nay quay trở lại xưởng gỗ kể lại cho mọi người với khuôn mặt thất thần, ai trong số họ khi bị cơn lốc xoáy càn quét qua đều nghĩ mình không thể sống nổi. Nhiều giờ sau trận lốc xoáy kinh hoàng, toàn bộ diện tích của xưởng gỗ thành đống đổ nát.
Trong số 3 nạn nhân xấu số, anh Lục Văn Long (SN 1972) là người dân trong thôn. Trận gió lốc chiều qua (10/6) làm sập đổ hoàn toàn khu nhà xưởng nơi vợ chồng anh đang làm công nhân, vợ anh may mắn sống sót còn anh thì đi mãi không về.
Tai nạn bất ngờ ập xuống, gia đình người công nhân nghèo còn không có cả tiền thuê kèn trống, chi phí lo tang lễ của anh Long được người thân trong gia đình quyên góp.
Ngồi thất thần trước linh cữu của chồng, chị Diệp Thị Lìu - vợ anh Long mắt đỏ hoe, tai hoạ ập xuống bất ngờ đã cướp đi vĩnh viễn người chồng của chị. Thời điểm xảy ra trận lốc xoáy kinh hoàng hai vợ chồng chị đang làm công nhân tại xưởng gỗ.
Chị Lìu còn chưa hết hoảng loạn khi nhớ lại phút giây cơn lốc ập đến, khi đang cùng mọi người nghỉ ăn giữa ca thì chị nghe thấy tiếng hét thất thanh, chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì mái tôn trên đầu đã tốc lên từng mảng rồi bay tứ phía.
"Khi nhà xưởng bắt đầu đổ rạp tứ phía, mọi thứ bị gió cuốn tung lên, một mảnh tôn nhọn đâm vào bắp chân tôi. Tôi và vài người công nhân làm cùng vội vã tìm khe trống để chui vào, những người không kịp chạy đi tìm chỗ trốn đều bị mảnh tôn rơi xuống người, cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng.
Tôi nghĩ mình chết ở đó chứ không thể sống nổi. Tôi không còn biết gì, khi mở mắt ra thấy chân đau và sưng vù, không cử động được. Không thấy chồng đâu, sau đó tôi chết lặng khi có người báo chồng tôi mất rồi, ông ấy bỏ mẹ con tôi ở lại", chị Lìu nghẹn lại.
Có mặt trong tang lễ của anh Long, một người thân trong gia đình anh chua xót: "Khổ lắm, gia đình khó khăn mà sự việc xảy ra bất ngờ. Gia đình đưa thi thể chú ấy về nhà mà trong nhà không còn đồng nào, ma chay anh em họ hàng phải xúm vào, mỗi người góp một ít để tổ chức lễ viếng, kèn trống cũng chẳng có tiền có để mà thuê".
Cách gia đình anh Long không xa, ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc gia đình chị Lê Thị Hà (SN 1978) vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của chị, hai đứa con còn không tin là mình đã mất mẹ.
Ông Lưu Quang Vĩnh, bác ruột của chị Hà xót xa: "Rõ khổ, nó là đứa hiền lành, chịu khó làm lụng để nuôi con ăn học. Chỉ nghĩ ở nhà tranh thủ đi làm công nhân gần nhà để trông nom các con, có ai ngờ cháu lại gặp chuyện như thế này đâu".
Ngồi buồn bã trước linh cữu của vợ, chồng chị Hà khóc không thành tiếng khi giấu đi những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ tiếp tục lo tang lễ cho vợ, lo cho các con sau này.
Trong sáng cùng ngày, lãnh đạo Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ sở ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc đã xuống thăm, phúng viếng, động viên các gia đình đồng thời chuyển số tiền hỗ trợ đến tận tay gia đình nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau.
Trước đó, vụ lốc xoáy xảy ra vào chiều tối 10/6 tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã làm sập xưởng gỗ rộng hơn 2.000m2 của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma.
Vụ sập đã làm 3 công nhân đang làm việc trong nhà xưởng tử vong gồm ông Lục Văn L., bà Trương Thị N., bà Lê Thị H. và làm 18 người khác bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trong số, các nạn nhân bị thương có 2 nạn nhân bị gãy xương đùi, 1 nạn nhân bị chấn thương sọ não. Các bệnh nhân khác bị các chấn thương nhẹ, các chỉ số sinh tồn cơ bản ổn định.
Ngay trong tối 10/6, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung nhân lực, vật lực tốt nhất để chăm sóc, ổn định sức khỏe cho các nạn nhân.
Bà Lan cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn; nghiên cứu, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho các nạn nhân.