Ngày 16-12, nhóm G7 gồm 7 trường đại học và đại học kỹ thuật đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục, với các hoạt động chung tổ chức bởi các trường trong nhóm, gồm: tổ chức tự đánh giá, kiểm định, đánh giá ngoài; chia sẻ văn bản, tài liệu phục vụ hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; cung cấp nguồn lực triển khai công tác bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng đào tạo; chuyển đổi số trong bảo đảm chất lượng và kiểm định; công tác đo lường, đánh giá và dự báo, cải tiến.
PGS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), đại diện các trường - đã tổng kết và cho biết nhóm G7 đánh giá tích cực về hoạt động của nhóm trong hai năm vừa qua, nhóm đã tạo nên nền tảng và niềm tin khi phối hợp với nhau. Do đó, nhóm cần chuẩn bị cho giai đoạn mới trong quá trình hợp tác tiếp theo như: xây dựng khung kế hoạch, cơ cấu, cơ chế hoạt động...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường đều thống nhất với phương án hợp tác trong lĩnh vực kiểm định và bảo đảm chất lượng. Các trường xác định quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, việc tham gia kiểm định mang lại rất nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, sinh viên và các trường.
Việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực về kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế với các trường kỹ thuật sẽ góp phần đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu, đồng thời nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đại học này đang xem xét các khuyến cáo của các tổ chức đã thực hiện đánh giá. Nhà trường sẽ chia sẻ với nhóm về kinh nghiệm để rút ngắn quy trình kiểm định cũng như những công tác chuẩn bị.
Trong vấn đề chuyển đổi số, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có ứng dụng riêng và sẵn sàng chia sẻ với nhóm G7 trong quá trình quản trị đại học. Năm 2023, nhà trường sẽ thực hiện phiên bản thi tư duy mới, triển khai Mooc platform mới với nhóm G7, trong đó có học liệu số - bài giảng điện tử và dùng chung trong nhóm.
Đây là lần thứ năm 7 trường đại học ký kết hợp tác, gồm: Trường đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Mỏ - Địa chất.
Trước đó, các trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng chương trình đào tạo và thỏa thuận hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thông.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhấn mạnh nhóm G7 là trường đại học tiêu biểu, cần lan tỏa giá trị G7 đang hướng tới và chia sẻ kinh nghiệm trong việc kiểm định để mang lại giá trị cộng hưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cam kết đồng hành chia sẻ với các trường, các trường cần có đề nghị kịp thời để bộ hỗ trợ tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách để các trường cùng phát triển.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nguồn khoảng 430 tỉ đồng để đầu tư vào các khóa học dùng chung, giao nhiệm vụ cho một số trường chủ trì theo từng lĩnh vực. Về khoa học công nghệ - kỹ thuật cơ khí giao cho Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Các trường sẽ được hưởng thành quả và các trường có trách nhiệm cùng hỗ trợ chia sẻ với Đại học Bách khoa Hà Nội để đưa vào vận hành nền tảng dùng chung này mà trường này đang triển khai.