"Hãy xóa TikTok ngay bây giờ. Nếu biết ai đang sử dụng ứng dụng này, hãy nói với họ đây là phần mềm theo dõi do chính phủ Trung Quốc tạo ra",  @YourAnonCentral - một trong những tài khoản được cho là của nhóm Anonymous viết trên Twitter hôm 2/7.

Nhóm hacker nổi tiếng Anonymous cáo buộc TikTok là “công cụ gián điệp”, kêu gọi người dùng gỡ bỏ - Ảnh 1.

Anonymous kêu gọi xóa TikTok. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Anonymous còn trích dẫn bài đăng từ Bangorlol - một người được cho là kỹ sư đã đăng bài trên diễn đàn Reddit ít ngày trước. Người này cho rằng đã phát hiện được những hành động lạm dụng thông tin cá nhân cũng như quyền riêng tư người dùng của TikTok.

Theo đó, với dữ liệu thu thập từ trẻ em/thanh thiếu niên, TikTok sẽ giúp Trung Quốc theo dõi khả năng tiếp cận thị trường và phát triển chính trị của họ để từ đó tìm ra những biện pháp giải quyết trong vòng 5-10 năm sau.

Trung Quốc nhờ vậy sẽ chiếm ưu thế trong việc thao túng các nhóm lớn xã hội trên nhiều quốc gia.  Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc liệu những tuyên bố này chính xác hay không.

Đây không phải lần đầu tiên Anonymous đưa ra các cáo buộc trực tiếp đến nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Ngày 6/6, tài khoản @YourAnonCentral từng đăng tweet nói Anonymous không có ý định tạo tài khoản TikTok vì đây là "phần mềm gián điệp của chính phủ Trung Quốc" đồng thời cảnh báo có nhiều tài khoản giả lấy hình ảnh của nhóm với mục đích lừa đảo.

TikTok là nền tảng mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất của công ty Trung Quốc là ByteDance, được định giá trên 100 tỷ USD. Ứng dụng này hiện có hơn 800 triệu người dùng thường xuyên và cũng đang đứng đầu bảng về khả năng kiếm tiền, vượt qua Youtube trong tháng 4 với doanh thu khoảng 78 triệu USD.

Trước đó, ngày 29/6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng ứng dụng này "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ". Sau đó, TikTok cùng 58 ứng dụng khác đã bị quan chức nước này cấm cửa. 

Chính phủ Ấn Độ cho rằng các ứng dụng bị cấm đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của nước này. Một số báo cáo cho rằng những ứng dụng trong danh sách đã ăn cắp, sau đó lén lút truyền dữ liệu người dùng nước này đến máy chủ bên ngoài Ấn Độ. Công ty chủ quản vì thế đánh mất luôn thị trường béo bở còn chưa kịp khai thác hết.

Ứng dụng TikTok cũng đã từng lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ với lo ngại ứng dụng này thu thập thông tin của người dùng và được sử dụng cho mục đích tình báo. Nhiều cơ quan chính phủ, quân đội, hải quân… của Mỹ đã cấm nhân viên và binh sĩ sử dụng TikTok vì lo ngại các vấn đề an ninh và bảo mật.

Hiện TikTok chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về tuyên bố của Anonymous.

(Theo India Times)