Nhóm các nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital đã tiến hành thủ tục pháp lý khởi kiện nhà sáng lập của Huy Việt Nam là ông Huy Nhật, liên quan đến việc đóng cửa hàng loạt chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng... thời gian qua.
Các nhà đầu tư này đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.
Trí thức trẻ đã có cuộc phỏng vấn nhóm nhà đầu tư này liên quan đến tình hình của Huy Việt Nam.
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, đến năm 2018 tổng tài sản của Huy Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 600 tỷ đồng, trong khi thông cáo cho rằng sau 3 vòng gọi vốn nhóm nhà đầu tư đã rót 70 triệu USD cho Huy Việt Nam, vậy số vốn này được rót dưới hình thức nào, và tại sao số tiền này không được hiển thị trên báo cáo của Huy Việt Nam (hoặc là không rót hết vào thị trường Việt Nam)?
Nhóm nhà đầu tư vào Huy Việt Nam: Ở thời điểm hiện tại chúng tôi không thể chia sẻ thông tin cụ thể về các báo cáo tài chính.
Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư tại Huy Việt Nam là bao nhiêu?
Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, các nhà đầu tư là nhóm các nhà đầu tư sở hữu cổ phần thiểu số. Các nhà đầu tư tin tưởng giao phó cho nhà sáng lập, Chủ tịch và CEO của công ty là ông Huy Nhật điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Tại sao nhóm nhà đầu tư không có tiếng nói trong hoạt động của Huy Việt Nam nói chung và Món Huế nói riêng?
Rất đáng tiếc là các nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng, như là duy trì công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên trong nước cũng như mạng lưới các nhà cung cấp của doanh nghiệp, đã liên tục bị từ chối bởi ông Huy Nhật và các đại diện của ông, dẫn tới tình trạng hiện nay.
Thực tế kết quả kinh doanh của Món Huế đã sa sút từ năm 2017, nhưng tại sao phải đợi đến lúc đổ vỡ nhóm nhà đầu tư mới lên tiếng?
Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, họ không biết được thực tế này. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.
Món Huế lỗ 50 tỷ/năm nhưng nhóm nhà đầu tư không hề biết và không được báo cáo
Nhóm nhà đầu tư đã mất liên lạc với Huy Nhật từ bao lâu?
Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, những nỗ lực nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng liên tục bị từ chối bởi ông Huy Nhật và các đại diện của ông. Chúng tôi đang cố gắng song chưa thể liên hệ được với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị vận hành, và hiện không rõ ông này đang ở đâu.
Việc phong tỏa tài sản ở nước ngoài có khả thi?
Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, do yêu cầu về bảo mật trong các vụ kiện tại tòa án, chúng tôi không thể tiết lộ thêm thông tin về các lệnh khẩn cấp tạm thời được ban hành ở nước ngoài, tuy nhiên chúng tôi sẽ cập nhật tới báo giới sớm nhất vào thời điểm phù hợp.
Ngày 24/10 các đối tác và chủ nợ của Huy Việt Nam đã họp mặt tại một quán cafe ở Tp.HCM.
Trong danh sách nhà cung cấp trong lá đơn tố cáo chung có đơn vị cung cấp máy làm trà sữa cho TP Tea, nhà cung cấp thiết bị văn phòng phẩm cho Huy Việt Nam, đối tác làm quảng cáo cho các thương hiệu, nhà cung cấp khăn lạnh cho Món Huế, nhà cung cấp dừa tươi – nước cốt dừa – lá chuối cho Món Huế, nhà cung cấp hải sản cho Iki Sushi…
Trong những người tham gia ở buổi họp mặt ngày 24/10, nhà cung cấp bị nợ nhiều nhất lên đến hơn 2 tỷ đồng, tuy nhiên số nhà cung cấp bị nợ tới mức đó không nhiều mà chủ yếu nằm trong khoảng từ vài chục triệu đến trên 1 tỷ đồng.
Theo giao ước thông thường, mức nợ đó sẽ nằm trong khoảng 2 đến 3 tháng gần nhất, khi đến hạn trả tiền cho nhà cung cấp mà Huy Việt Nam không trả. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết số tiền mà Món Huế hay Huy Việt Nam nợ nhà cung cấp là cộng dồn từ 8 tháng hoặc ít nhất 6 tháng, chứ không phải 2 hoặc 3 tháng.