Ngày 4/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triệu tập, tạm giữ 10 đối tượng liên quan đến nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy phóng nhanh , tông tử vong cô gái 27 tuổi, tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.
Theo quan điểm của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, vụ việc trên có dấu hiệu của hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép.
"Qua đoạn clip cho thấy hành vi của nhóm thanh thiếu niên này có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng và gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một người tử vong, gây bức xúc trong dư luận xã hội" - luật sư Cường nhận định.
Theo luật sư Cường, nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy có hành vi tổ chức đua xe trái phép, có đối tượng lôi kéo, tổ chức cho người khác đua xe dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông chết người thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Với hành vi trên, các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tiền từ 50 - 150 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 - 10 năm.
"Đua xe trái phép là hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, trật tự giao thông, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông và gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi đua xe trái phép từ 16 tuổi trở lên có khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình, hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội là căn cứ để xử lý hình sự, hậu quả dẫn đến chết người là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt" - luật sư Cường nói và cho biết, những người không trực tiếp lái xe nhưng ngồi trên xe có hành vi hò hét, cùng ý chí thực hiện hành vi đua xe trái phép thì cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.
Clip ghi lại vụ tai nạn vào rạng sáng 3/11.
Trách nhiệm của phụ huynh ra sao?
Luật sư Cường cho rằng, điều đáng trách trong vụ việc là các bậc phụ huynh đã không quản lý con cái dẫn đến một số trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, thiệt hại đến tính mạng của người khác. Do đó, ngoài các đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự thì các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về người dưới 18 tuổi gây thiệt hại.
Đối với những người là chủ sở hữu mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo vị luật sư, đây là bài học cho nhiều người khi thiếu trách nhiệm trong quản lý, nuông chiều con cái dẫn đến sự việc nghiêm trọng và cũng là bài học cho các thanh thiếu niên có ý thức coi thường pháp luật, không có tính kỷ luật, thiếu thức chấp hành pháp luật, không làm chủ được bản thân, bị bạn bè dụ dỗ lôi kéo tham gia, dù bản thân không gây tai nạn nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự.
Liên quan đến tình trạng thanh thiếu niên có hành vi vi phạm giao thông, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, thời gian qua đơn vị đã có chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, và triển khai kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc đối với lứa tuổi học sinh , đồng thời phối hợp với ngành giáo dục thực hiện.
Nói về việc mức xử phạt hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, đã đề xuất tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, gắn trách nhiệm của chủ phương tiện khi giao xe.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong tháng 10/2024, sau gần 1 tháng triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông lứa tuổi học sinh, lực lượng CSGT, CSGT-TT toàn thành phố xử lý 6.037 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm về mũ bảo hiểm là 5.303 trường hợp, 1.092 trường hợp các em học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện; xử lý 338 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã xác minh và lập danh sách 3.370 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để gửi thông báo đến Sở GD&ĐT Hà Nội.
Kinh hãi khi gặp đoàn xe bấm còi inh ỏi
Chị Minh Hồng (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, có lần chị di chuyển trên đường vào buổi tối đã giật mình, loạng choạng tay lái khi gặp nhóm thanh thiếu niên đi xe máy phóng vun vút qua bấm còi inh ỏi. "Lúc đó tôi chỉ biết đi sát vào lề đường và dừng lại vì sợ bị đoàn xe va chạm gây tai nạn" - chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh để con em sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe, thậm chí chở con đi học không đội mũ bảo hiểm... "Cần có biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn như tăng mức xử phạt hoặc có thể tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm" - chị Hồng nêu quan điểm.
Trước đây, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao, độ chế pô gây ra tiếng động lớn ảnh hưởng đến nhiều người dân xung quanh đường. Hàng đêm, họ thường phải nghe những tiếng gầm rú đinh tai nhức óc, đặc biệt là khu vực đường Võ Chí Công (Tây Hồ), đường Láng...
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy phóng nhanh, lạng lách gây nguy hiểm cho người đi đường thì ngoài việc tuyên truyền cần có biện pháp xử lý nghiêm, đủ sức răn đe.