Chuyện chi tiêu sao cho hợp lý là vấn đề đau đầu "không chỉ của riêng ai". Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, mức chi tiêu tốn kém ở nông thôn và thành thị cũng khác nhau. Có những gia đình đông người ở quê, 5 triệu đã là đủ sống, cũng có những người độc thân lương 20 triệu nơi thị thành, xoay sở một hồi vẫn thấy tiền chẳng thấm vào đâu. Giữa thu nhập và chi tiêu dường như có một mối quan hệ tỉ lệ thuận nhất định nào đó, như kiểu nước dâng, thuyền cũng lên theo. Bạn sẽ chi tiêu như thế nào khi thu nhập mỗi tháng của gia đình bạn nằm ở mức 110 triệu giống như gia đình chị H.B.T.T. (Phú Nhuận - TP. HCM)?
Vợ chồng chị T.T. mới kết hôn được hơn 1 năm, chưa có em bé nên phần lớn thời gian của anh chị dành để làm việc và kinh doanh. Chị T.T. và chồng đều là du học sinh ngành khoa học máy tính tại Hoa Kỳ. Sau khi về nước, hai anh chị đều đang làm cho những công ty công nghệ thông tin lớn tại TP. HCM và có tổng lương (sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân) là khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Có thu nhập cực kỳ cao nhưng vợ chồng chị T.T. chọn ở trong nhà cũ giản dị của bố mẹ.
Bên cạnh việc cơ quan, anh chị còn kinh doanh thêm. Khi về nước năm 2013, chị T.T. có trong tay khoảng 600 triệu đồng tiền để dành sau quá trình làm trợ giảng tại một trường đại học ở Mỹ. Sau khi tính toán, chị quyết định vay thêm ngân hàng 600 triệu nữa để mua 1 căn hộ chung cư có 2 phòng ngủ tại quận Phú Nhuận - TP. HCM. Khoản vay này, chị vay ngân hàng trong 5 năm, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 9%/năm, lãi suất 4 năm sau thả nổi nằm ở khoảng 13%/năm.
Sau khi mua thành công, chị để căn hộ chung cư này cho một kỹ sư người Anh đang làm việc tại Việt Nam thuê lại với giá 400$/tháng (khoảng gần 9 triệu/tháng). Còn vợ chồng chị T.T. sinh sống cùng bố mẹ và anh trai chị tại nhà cũ của bố mẹ chị.
Mua chung cư đẹp long lanh đã 4 năm, nhưng chị T.T. không ở mà cho thuê lại với giá hơn 8 triệu/tháng.
Chị chia sẻ: "Khoản vay 600 triệu đó, chị trả lãi hàng tháng, còn tiền gốc thì trả 3 tháng 1 lần, mỗi lần 30 triệu, tương ứng với 10 triệu 1 tháng. Với lãi suất 9% của năm đầu tiên thì mỗi tháng chị trả lãi gần 4 triệu; sang năm thứ 2, lãi suất khoảng 13% thì mỗi tháng chị trả lãi gần 5 triệu; năm thứ 3 thì mỗi tháng còn gần 4 triệu, năm nay thì mỗi tháng còn khoảng 2,5 triệu thôi. Hiện tại, chị còn nợ lại khoảng 150 triệu nữa là trả xong khoản vay này".
Chưa hết, năm 2015, sau khi kết hôn, vợ chồng chị T.T. vay ngân hàng thêm 2 tỷ đồng để lấy vốn kinh doanh khách sạn tại khu vực phố Tây Đề Thám - Phạm Ngũ Lão - Quận 1. Khoản vay này có lãi suất cố định trong 5 năm là 9.5%, trả cả gốc và lãi hàng tháng theo kiểu dư nợ giảm dần. Mỗi tháng, vợ chồng chị T.T. trả khoảng 16 triệu tiền lãi và 33 triệu tiền gốc cho bên ngân hàng. Lợi nhuận thu được sau khi đã khấu trừ tất cả các chi phí (thuê nhân viên, đóng thuế, trả gốc + lãi ngân hàng hàng tháng, tiền thuê lại khách sạn - PV) từ khách sạn là khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Căn hộ mà chị T.T. mua có view khá đẹp và thoáng đãng.
Như vậy mức tổng thu nhập của gia đình chị T.T. nằm ở khoảng 110 triệu đồng/tháng (60 triệu tiền lương + 9 triệu tiền cho thuê nhà + 40 triệu lợi nhuận kinh doanh khách sạn - PV). So với nhiều người, đây là một thu nhập đáng mơ ước. Vậy với mức thu nhập đó, vợ chồng chị T.T. chi tiêu như thế nào?
Chị T.T. kể với tôi: "Do tính chất bận rộn công việc của cả hai vợ chồng, chị và chồng thường ăn ở ngoài chứ không ăn cơm nhà. Cơm nhà chỉ nấu cho bố mẹ chồng chị ăn thôi. Bố mẹ chị ăn khá đơn giản, ông bà lớn tuổi rồi nên chỉ thích rau củ, không ưa thịt cá, số lượng đồ ăn không nhiều. Để đảm bảo sức khỏe và ngon miệng cho bố mẹ, chị chỉ mua thực phẩm hữu cơ cho ông bà. Tiền ăn của hai cụ khoảng 4 triệu/tháng".
Người thuê căn hộ của chị T.T. rất sạch sẽ, lịch sự nên chị không lo chuyện căn hộ không được chăm sóc cẩn thận.
Chị T.T. liệt kê tiếp: "Anh chị ăn bên ngoài, 1 ngày khoảng 200.000 đồng 2 người. Bữa sáng, thường là mỗi người tự ăn trên đường đi làm, bữa trưa ăn cơm trưa văn phòng ở gần công ty, tối về thì đi ăn cùng nhau. Cuối tuần, hai vợ chồng hay rủ nhau đi ăn, đi coi phim, đi chơi gì đó hết khoảng 500.000/ngày/2 người. Ngoài ra, để cải thiện sức khỏe, chị cũng thường mua thêm trái cây nhập khẩu hoặc hàng hữu cơ cho cả nhà, tốn chừng 2 triệu/tháng, vậy là xong khoản ăn uống".
Cũng như nhiều gia đình thành phố khác, nhà chị T.T. tốn kha khá vào tiền điện, nước, rơi vào khoảng 2,3 triệu/tháng; tiền điện thoại của vợ chồng chị 600.000 đồng, của bố mẹ chồng chị 200.000 đồng; tiền cáp TV, internet chừng 500.000 đồng; xăng xe khoảng hơn 1 triệu 2 vợ chồng. Mỗi tháng, vợ chồng chị đi siêu thị cùng nhau để mua những hóa mỹ phẩm như kem đánh răng, bàn chải, nước giặt, nước xả, nước rửa chén, dầu gội, sữa tắm, sửa rửa mặt... hết khoảng 1,2 triệu.
Căn bếp đáng yêu trong căn hộ của chị T.T.
Chị T. T. chia sẻ thêm, nhà chị có thuê người giúp việc theo giờ, tính ra 1 tháng trả tiền thuê người giúp việc là hết 1.200.000 đồng. Bên cạnh đó, anh chị cũng biếu bố mẹ 2 bên mỗi người 3 triệu 1 tháng để các cụ có tiền tiêu vặt, ông bà có muốn đi đâu làm gì cũng được thoải mái.
"Anh chị chưa có em bé, dự tính là khoảng năm nay sẽ có, nên tiền bạc làm ra được, ngoài trả ngân hàng coi như để dành để sắp tới lo cho con, lo cho cuộc sống gia đình khi chị nghỉ thai sản, không kiếm được nhiều như khi còn đang làm. Chị mong muốn những năm đầu đời có thể đồng hành cùng con, không để con phải đi nhà trẻ quá sớm nên cũng phải chuẩn bị tài chính kỹ càng. Bao giờ em bé đi đứng vững vàng, nói năng rõ ràng, nhận thức về môi trường xung quanh tốt chị mới cho bé đi mẫu giáo" - chị tiết lộ.
Ngoài những khoản "cứng", anh chị còn những khoản chi tiêu "mềm" như chi phí ma chay cưới hỏi, cafe hay đi ăn cùng bạn bè, đối tác... Những chi phí này không cố định, có tháng anh chị chẳng tốn đồng nào, có những tháng như tháng 12/2016 chẳng hạn, chị đi đến 14 cái đám cưới. Trung bình mỗi đám anh chị để phong bì 1.000.000 đồng, tùy theo thân quen hay không, đám nào thân, anh chị sẽ bỏ thêm.
Với những lễ đầy tháng, thôi nôi con của bạn bè, người thân, anh chị thường lì xì hoặc mua quà cho bé khoảng 500.000 đồng. Tính ra, trung bình mỗi tháng anh chị chi khoảng 7 triệu đồng hoặc ít hơn cho các khoản "giao lưu phí". Còn chuyện đi ăn, cafe cùng bạn bè thì 1 tháng khoảng vài lần. Tùy thuộc đối tượng đi ăn, cafe mà có thể anh chị đi riêng hoặc đi chung, chi phí này nằm ở khoảng 2.000.000 đồng/tháng.
Có thể thấy, chi tiêu của đôi vợ chồng có thu nhập 110 triệu này khá dư dả và hợp lý, cân đối giữa chi tiêu và tiết kiệm. Ngoài ra, anh chị cũng chọn cho mình lối sống giản dị, không phô trương, hạn chế chi dùng cho những thứ xa xỉ, nên dù vẫn phải trả nợ ngân hàng hàng tháng, phần tiết kiệm lại của anh chị cũng khá nhiều.
Chi tiết chi tiêu nhà chị T.T.
Tiền ăn của bố mẹ chồng: 4.000.000 đồng
Tiền ăn của 2 vợ chồng: 200.000 đồng * 26 + 500.000 đồng * 4 = 7.200.000 đồng
Tiền trái cây cả gia đình: 2.000.000 đồng
Tiền điện: 1.500.000 đồng
Tiền nước: 800.000 đồng
Tiền điện thoại cả gia đình: 800.000 đồng
Tiền cáp TV, Internet: 500.000 đồng
Tiền đi siêu thị mua đồ lặt vặt hàng tháng: 1.200.000 đồng
Tiền thuê người giúp việc theo giờ: 1.200.000 đồng
Tiền xăng xe 2 vợ chồng: 1.100.000 đồng
Tiền biếu bố mẹ 2 bên: 3.000.000 * 4 = 12.000.000 đồng
Tiền "giao lưu phí": 7.000.000 đồng
Tiền cafe, ăn uống cùng bạn bè: 2.000.000 đồng
Tiền trả ngân hàng căn hộ chung cư: 12.500.000 đồng
(10 triệu tiền gốc, 2.5 triệu tiền lãi cho khoản tiền 150 triệu nợ gốc còn lại- PV)
→ Tổng chi: 53.800.000 đồng.