Nhộn nhịp mua bán online

H.Hương,
Chia sẻ

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tận dụng các khoảng trống trong thời gian làm việc ở cơ quan, nhiều nhân viên văn phòng đã lên sàn thương mại điện tử mua sắm hàng hóa.

Nhộn nhịp mua bán online - Ảnh 1.

Mua bán qua mạng ngày một phổ biến.

“Tín đồ” của thương mại điện tử

Chị Thu Thủy (38 tuổi) ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, mình là “tín đồ Shopee”. Hễ có thời gian rảnh rỗi là lại vào Shopee mua sắm trực tuyến. “Các đơn hàng mà tôi đặt mua thường không quá 500.000 đồng/đơn, tôi mua đồ chơi cho con gái, mua cả mũ, tất… hay nhiều vật dụng trong gia đình. Nếu biết canh sale (giờ giảm giá) thì hàng tháng cũng tiết kiệm được kha khá khoản tiền mua quần áo cho con” - chị Thủy khoe.

Trong khi đó, chị Phương (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) đưa ra lời khuyên cho cô em dâu của mình, mua bỉm sữa hay giấy ăn… cứ chờ sale để mua cho rẻ.

Theo khẳng định của chị Phương, việc gì phải ra chợ chen chúc để mua những mặt hàng dành cho trẻ con như bỉm, sữa... Chỉ cần một cú click trên mạng thì hàng loạt cửa hàng, hàng loạt sản phẩm được giới thiệu với mức giá phong phú. Khi đặt mua rồi thì nắng có người giao hàng, mưa cũng có người giao hàng mà lại tiết kiệm được vài chục nghìn trong mỗi lần mua sắm trên mạng.

Bước chân vào các công sở, nhất là văn phòng đông nữ, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe thấy chị em lao xao bàn bạc hay hỏi nhau rôm rả về các phi vụ mua bán online ngoài các đề tài chia sẻ muôn thuở về gia đình, con cái, nội trợ... Nếu là giới công sở, nhiều người khi nghe các câu "Shoppee có giao hỏa tốc đấy?"; hay "Ơ, cái này mua ở Lazada có cả màu khác nữa đấy"... sẽ hiểu ngay, bởi ngoài công việc hàng ngày, hễ có phút nghỉ ngơi là họ lại chia sẻ links sản phẩm cần mua bán trên những cửa sổ chát messenger.

Đang mang bầu 7 tháng, chị Nga làm việc ở một trụ sở trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) nói, tần suất mua sắm online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) của chị tăng theo thời gian.

Theo chị Nga, lý do khiến chị thường xuyên mua hàng online đến vậy là vì từ khi mang bầu rất ngại đi ra ngoài. Nên tranh thủ thời gian rảnh lên mạng tìm kiếm hàng giảm giá để mua, rất tiện và nhanh chóng.

Xu hướng mua bán qua mạng

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đánh giá, TMĐT là nền tảng đón đầu xu hướng tiêu dùng hiệu quả và phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Trong xu hướng chuyển dịch chung đó, các doanh nghiệp, thương hiệu đã tìm đến TMĐT để mở rộng mô hình kinh doanh và tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên TMĐT gấp 5 lần so với các kênh khác.

Nhìn vào động thái của các sàn TMĐT lớn trong thời gian gần đây có thể thấy, các sàn TMĐT liên tục tung khuyến mãi nhằm giành thị phần. Chưa kể để đáp ứng nhu cầu tăng lên nhanh chóng của người tiêu dùng, các sàn TMĐT đã đầu tư, ứng dụng công nghệ mới và triển khai nhiều chiến dịch để thu hút thêm người dùng. Các sàn TMĐT đã xây dựng các trung tâm quản lý và vận hành tích hợp cho nhà bán hàng, thực hiện livestream bán hàng ngay trên nền tảng giúp gia tăng doanh thu; hệ thống phân tích nâng cao giúp theo dõi tình trạng đơn hàng.

Theo nhận định, trong thời gian tới TMĐT Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021. Trung bình cứ 1 trong 5 USD chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam được khách hàng thực hiện thông qua mạng xã hội.

Theo số liệu của Statista (Công ty nghiên cứu thị trường - PV) năm 2022, tỷ lệ thâm nhập của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam ước đạt khoảng 75,57% trên tổng dân số; đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức 85,74%.

Đáng chú ý, báo cáo Digital 2022 phân tích: Việt Nam hiện có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16 - 64 đang sở hữu smartphone. Cùng với sự phát triển về công nghệ được hỗ trợ bởi mạng 5G, điều này là yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng thương mại di động tại Việt Nam.

Thống kê còn cho thấy trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng Internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. Đáng chú ý nhất là đã có 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động.

Mua bán trên mạng ngày càng phát triển, đáng tiếc đi cùng đó lại là việc gian lận thương mại, bán hàng không đúng với quảng cáo, hàng hóa chất lượng thấp. Việc người tiêu dùng bị sập bẫy TMĐT ngày một nhiều hơn, tuy nhiên để khiếu kiện thành công là khó khăn. Giới chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng cần phải cẩn thận trong giao dịch trên mạng để tránh việc “tiền mất tật mang”.

Chia sẻ