Trong đám bạn bè, Nhung nổi tiếng là đành hanh, nhõng nhẽo. Đến khi lấy chồng, tính tình ấy vẫn không mảy may thay đổi, nhiều người bảo cô giống một đứa trẻ con sau lớp vỏ ngoài người lớn. So với tuổi băm, Nhung luôn khiến người đối diện có cảm giác đang tiếp xúc với một cô gái tuổi teen ngây thơ, tuy rằng sự hồn nhiên có phần hơi quá lố bịch.
Lễ Tết năm nào đối với Hùng – chồng Nhung cũng là một thảm cảnh bởi sự vòi vĩnh của vợ. Một năm có hơn chục ngày lễ thì đủ cả chục ngày Nhung lên cơn đòi quà, nằng nặc bắt chồng phải làm tròn nghĩa vụ. Ngoài mặt, cô tỏ vẻ bất cần, không quan tâm đến vật chất và cho rằng đó là thứ vô giá trị, chẳng đóng vai trò gì trong cuộc sống của mình. “Ôi dào, quà cáp mà làm gì, em chỉ cần vợ chồng chung sống hạnh phúc, vui vẻ bên nhau là đủ!”, câu mạnh mồm tuyên bố của Nhung từng khiến Hùng sướng rơn ngày mới bắt đầu ve vãn người yêu, đến mức khi đã cưới rồi, anh vẫn hởi lòng hởi dạ vì nghĩ rằng mình đã kén được một cô nàng “vàng 10” hiếm có.
Nhưng sau ngày hôn lễ, nếu Hùng có chẳng may “sót” một ngày lễ nào đi tay không về nhà thì y như rằng nguyên một tuần sau đó, anh sẽ phải chung sống với một “cái thớt” sưng sỉa.
Thời còn đang yêu, Hùng hài lòng thậm chí thích thú với tính trẻ con của Nhung và luôn nói rằng chính điều đó đã khiến anh cảm thấy cô thật thú vị. Sau khi cưới, Nhung vẫn vậy, chỉ có điều cơm áo gạo tiền đã khiến tính nết đó trở thành một điều thực sự khó khăn trong cuộc sống vợ chồng. Đã không ít lần, Hùng cảm thấy mệt mỏi khi cứ cố gắng chạy theo mọi yêu cầu vòi vĩnh vô lý của vợ nhưng vì không muốn gia đình bất hòa nên rồi cũng tặc lưỡi cho qua. Chỉ có điều, “con giun xéo lắm cũng quằn”, hiền lành nhẫn nhịn như Hùng cũng không thể im lặng mãi trước sự quá quắt của vợ.
Ngày lễ Tình nhân Valentine vô tình trùng với ngày đi công tác của Hùng. Vì quá bận rộn với việc chuẩn bị tài liệu và họp đối tác nên quà cáp cho vợ trong ngày này trở nên quá xa xỉ với anh. Quay cuồng trong đống công việc, Hùng vẫn thầm hi vọng rằng Nhung sẽ hiểu và thông cảm, vì chính mắt anh trông thấy cô rơm rớm nước mắt khi đón chồng từ cơ quan về nhà, áo quần đẫm mồ hôi và mùi khói thuốc, gương mặt phờ phạc.
Chuyến công tác dài 1 tuần liền, vậy nên tối ngày 14/2, Hùng chỉ kịp gọi cho vợ một cuộc điện thoại từ khách sạn hỏi han việc nhà rồi nhanh chóng bị kéo theo bữa tiệc chào mừng do mấy anh em đồng nghiệp văn phòng tại đây chuẩn bị. Đêm hôm đó về phòng, Hùng nhấn số gọi Nhung thêm lần nữa định an ủi vợ bằng mấy câu yêu thương, định bụng khi về sẽ đền bù vợ chiếc túi xách hàng hiệu cô ao ước. Nhưng đáp lại sự chờ đợi của Hùng là những hồi chuông dài lê thê, không có dấu hiệu của việc chủ nhân sẽ nhấc máy. Dự cảm của Hùng đã bắt đầu có những linh tính không hay.
Kết thúc chuyến công tác trở về nhà, Hùng mới vỡ lẽ rằng linh cảm của mình quả thực không sai bởi Nhung đã giận. Lý do đương nhiên là vì chồng cố tình trốn tránh nghĩa vụ tặng quà cho vợ nhân ngày Valentine – một điều tất lẽ dĩ ngẫu phải chịu trừng phạt theo quan điểm của Nhung. Vì quá mệt mỏi sau đợt xa nhà dài ngày, Hùng làm lơ tất cả những “trò mèo” của vợ. Và kết quả của cuộc thi gan vẫn như bình thường: sự thản nhiên của Hùng thắng còn Nhung đành ngậm ngùi ôm cục tức sau khi vài lần chồng chủ động làm lành.
Tưởng mọi chuyện xong xuôi, ai dè vợ chồng chưa hàn gắn được bao lâu, đã tiếp tục bước vào cuộc chiến kế tiếp khi ngày 8/3 ập tới. Lần này, Nhung đã quá mệt mỏi với chiêu trò “im thin thít và lặn mất tăm” như cũ, cô vắt óc nghĩ phương pháp mới để “trừng phạt” chồng và cực kỳ hào hứng với kế sách: địch không chịu tặng thì ta… đòi.
Nghĩ là làm, trước khi ngày lễ diễn ra 1 tuần, Nhung đã rục rịch triển khai kế hoạch. Cứ mỗi khi hai vợ chồng gần nhau là y như rằng cô bóng gió nhắc đến ngày 8/3, giả vờ ngây ngô hỏi chồng xem ý nghĩa ngày đó là như thế nào, hay anh định làm gì vào hôm đó? Lần khác, Nhung dí tận mặt chồng quyển tạp chí, day day vào tấm hình bộ váy hàng hiệu đắt đỏ mà cô ưng mắt, giống như gián tiếp gợi ý về món quà cô muốn nhận trong ngày trọng đại này.
Một buổi tối, Hùng đang điên đầu xử lý nốt đống email về vụ khủng hoảng mới của công ty thì Nhung bước đến bên cạnh. Đá xéo thấy gương mặt cau có của chồng, cô hơi chột dạ nhưng nghĩ đã trót ra quân rồi thì phải đòi bằng được mới về. “Chả tội gì”, Nhung nghĩ, trong lòng sốt ruột vì chỉ 1 ngày nữa là tới ngày hẹn. Nhung lấy thêm động lực rồi thao thao bất tuyệt về bài ca đòi quà quen thuộc, hai tay đu bám lấy chồng để thêm phần kịch tính cho câu chuyện. Vốn dĩ đang có chuyện bực dọc và căng thẳng trong người, Hùng quay sang quắc mắt, gắt: “Em ra chỗ khác đi, giờ không phải lúc đùa”.
Như chạm vào tổ kiến lửa và lòng tự trọng đang bùng cháy của Nhung, cô nhảy dựng lên:
- Anh bảo ai đùa, tôi mà thèm đùa với nhà anh?
- Vậy tại sao tôi bảo cô đi ra mà cô không chịu, cứ nhằng nhẵng bám theo làm gì?
- Anh nghĩ là anh cao giá lắm đấy à? Tôi nói cho anh biết nhé, chuyện lần trước tôi vẫn chưa quên đâu. Không thể nào tin được là tôi lại lấy phải người chồng vô trách nhiệm, vô tâm vô ý như anh!
Được đà, Nhung hừng hực tiến tới, ngồi trình bày kể lể rồi nhân tiện trút cho bằng hết cơn tức tối cất giữ trong lòng suốt bấy lâu nay. Đôi lúc, cô vô tình đá xéo chồng bằng mấy từ xúc phạm nhưng chẳng hề mảy may lo lắng. Đến khi cơn giận vơi đi một chút, quay sang thăm dò phản ứng của Hùng, Nhung chỉ thiếu nước giật mình vì đôi mắt đỏ ngầu đầy tức giận của chồng. Im lặng trong một phút, bất ngờ Hùng lao vào phòng ngủ tìm chiếc vali của vợ vẫn dựng trong góc phòng, mở tung tủ quần áo, nhét toàn bộ quần áo của Nhung vào lạnh lùng yêu cầu vợ thay quần áo. “Chuẩn bị đi, tôi đưa cô về nhà đẻ. Tôi không thể chịu đựng cô thêm bất kỳ một phút giây nào nữa”, những tiếng gằn giọng của Hùng giống như lưỡi dao cứa vào tâm trạng hỗn loạn của Nhung khiến cô òa khóc. Trong làn nước mắt, cô nhìn người đàn ông mình yêu thương bằng ánh mắt gần như van xin. Nhưng thái độ dửng dưng của Hùng đã cho cô biết rất có thể sự việc đã trở nên quá muộn….