Sau khi chọn được 1 que, cô cắn một miếng rồi nói: “Bánh quy rất ngon”.
Video dài 4 phút thu hút hơn 41.000 views trên YouTube, nhưng cô không phải vlog bình thường. Bé gái tự xưng là YuMi, sống ở Triều Tiên, quốc gia được coi là biệt lập và bí mật nhất thế giới.
Kênh YouTube của YuMi được lập từ tháng 6 năm ngoái, là một trong nhiều tài khoản mạng xã hội nổi lên trong 1-2 năm qua, bởi những người Triều Tiên muốn chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng những video đó “trông vậy mà không phải vậy”, và cho thấy cuộc sống đủ đầy khác xa cuộc sống của hàng triệu người nghèo Triều Tiên.
Theo các chuyên gia phương Tây, YuMi và những người tương tự có thể là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm xây dựng lại hình ảnh quốc tế của Triều Tiên như một quốc gia dễ tiếp cận, thân thiện với du khách chứ không phải chỉ có vũ khí hạt nhân.
Trong mấy thập kỷ qua, Triều Tiên gần như đóng cửa hoàn toàn với thế giới, hạn chế đi lại, tiếp cận thông tin và internet, kể cả nhóm đặc quyền được dùng smartphone cũng chỉ được dùng mạng internet nội bộ của chính phủ. Những tài liệu của nước ngoài như sách báo và phim ảnh đều bị cấm, những người vi phạm đều bị phạt nặng.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng YuMi không phải người Triều Tiên bình thường. “Kết nối với thế giới bên ngoài là điều không thể đối với người dân thường”, Ha Seung-hee, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk, Hàn Quốc, nhận định.
YuMi không phải YouTuber Triều Tiên duy nhất gây chú ý. Một cô bé 11 tuổi tự xưng là Song A đăng video đầu tiên lên YouTube vào tháng 4/2022 và đến nay đã thu hút hơn 20.000 người đăng ký.
“Truyện yêu thích của tôi là Harry Potter của J.K. Rowling”, Song A nói trong một video khi đang cầm một cuốn trong loạt truyện nổi tiếng.
Video cho thấy Song A nói bằng giọng Anh và ngồi trong phòng ngủ trông như phòng của một đứa trẻ bình thường, với quả địa cầu, giá sách, thú nhồi bông, khung ảnh và rèm cửa màu hồng.
Chiến lược mới
Theo giới quan sát bên ngoài, những video này cung cấp manh mối về địa vị xã hội của những người tạo ra chúng.
Các video của YuMi cho thấy cô bé vào một công viên giải trí, tham gia chương trình chiếu phim tương tác, câu cá trên sông, tập thể dục trong phòng gym được trang bị đầy đủ, vào chơi trong một hang đá vôi, với hình ảnh nền là những học sinh khác đang vẫy cờ Triều Tiên.
Song A vào một công viên nước đông người, thăm một trung tâm triển lãm khoa học công nghệ và tự ghi hình buổi đầu tiên đến trường.
Theo giới quan sát, những hoạt động này không hoàn toàn giả mạo, nhưng gây hiểu nhầm và không đại diện cho cuộc sống bình thường của người Triều Tiên, mà chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ.
Triều Tiên thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện và thiếu điện, chỉ khoảng 26% dân số được sử dụng điện, theo số liệu ước tính năm 2019 của CIA. Tình trạng mất điện diện rộng ở Triều Tiên được thể hiện trong những bức ảnh do vệ tinh chụp, cho thấy nước này gần như tối tăm khi màn đêm buông xuống, tương phản với các quốc gia láng giềng.
Các YouTuber Triều Tiên nói tiếng Anh trôi chảy và sử dụng hàng hoá, dịch vụ hạng sang cho thấy họ được giáo dục tốt và có thể liên quan đến các quan chức cấp cao.
Những người đào tẩu từng kể rằng một số người Triều Tiên được học tiếng Anh. Hội đồng Anh, một tổ chức có trụ sở chính tại Anh, có một chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh ở Triều Tiên, đưa giáo viên đến đó trong hơn chục năm trước khi dừng vào năm 2017.
Các chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên không phải điều mới, trước đây là những áp phích kiểu Liên Xô, video quân đội hành quân và thử tên lửa, hay hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un cưỡi bạch mã.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc đăng các video trên YouTube, mạng xã hội của Triều Tiên hay các nền tảng Weibo và Bilibili của Trung Quốc cho thấy một chiến lược mới.
“Triều Tiên đang cố nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng là một thành phố bình thường. Các lãnh đạo ở đó quan tâm đến cách thế giới bên ngoài nhìn vào họ”, GS Ha nói.