Ngày nay, nhiều bà bầu lựa chọn biện pháp đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên gây tê ngoài màng cứng cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng không mong muốn như đau lưng, nhức đầu, hạ huyết áp, tổn thương thần kinh gây yếu, mất cảm giác, sốt…
Phương pháp giúp mẹ giảm bớt đau trong quá trình vượt cạn
Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn), gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng thường được sử dụng trong quá trình chuyển dạ. Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành khi cơn co tử cung trở nên mạnh hơn và sản phụ không có những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu cũng như sức khỏe tốt để cuộc chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất có thể. Sau khi sử dụng thuốc tê và một số thuốc khác, sản phụ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn và có thể cử động hai chân bình thường. Vì vậy, bà bầu vẫn nhận biết được khi có cơn co tử cung và đặc biệt là vẫn rặn đẻ được bình thường.
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc 1 ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15mm, đồng thời bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ nhất. Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng. Mỗi liều thuốc tê có thể kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ trước khi cần tiêm thêm liều kế tiếp, hoặc có thể truyền dung dịch thuốc gây tê liên tục và chậm. Lợi thế của phương pháp này là giúp giảm đau hiệu quả và nhanh hơn, trong khi đó sản phụ vẫn đi lại được.
Lợi ích của việc gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau là sẽ giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn, nhờ đó quá trình vượt cạn cũng nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và em bé ít bị sang chấn hơn. Đây cũng là phương pháp đặc biệt có giá trị với những trường hợp sinh đẻ mà cơn đau chuyển dạ kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Ngày nay, nhiều bà bầu lựa chọn biện pháp đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Ảnh minh họa
Những biến chứng có thể xảy ra
Cũng theo bác sĩ Huệ, nhưng bất kỳ can thiệp y tế nào, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có một số biến chứng tiềm ẩn những rủi ro gây hoang mang cho bà bầu khi cân nhắc có nên chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau hay không. Một số sản phụ sau khi được gây tê màng cứng cảm thấy chóng mặt, ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn, nôn, khó vận động chân sau khi tiêm thuốc, hoặc bị nhức đầu nhẹ sau sinh. Hiếm hơn, vài chị em có thể gặp phải cảm giác lạ ở vùng mông, đùi như rát, bỏng, nóng… trong thời gian ngắn hậu sản. Ngoài ra, thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, trụy tim ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thai nhi.
Ngoài ra, sốt của là biến chứng hay gặp trong gây tê ngoài mang cứng có liên quan đến giảm thân nhiệt do sự giãn mạch, tái phân bố nhiệt từ trung tâm ra ngoại biên và mất nhiệt vào môi trường.
Sản phụ Nguyễn Thị Vui, 30 tuổi nhân viên công ty máy tính (Hai Bà Trưng- Hà Nội), cho biết chị từng áp dụng biện pháp đẻ không đau, lúc thuốc tê được tiêm vào phần lưng thì cảm giác đau giảm hẳn, tinh thần phấn chấn và bớt lo âu trong quá trình vượt cạn. Tuy nhiên sau khi đẻ xong không hiểu sao chị cảm thấy trong người bị ớn lạnh, có biểu hiện sốt… Sau đó chị mới được bác sĩ cho biết đấy có thể do tác dụng phụ của thuốc gây tê ngoài màng cứng.
Theo BS. Mark Rosen - ĐH Y Sanfrancisco, California, Mỹ, cho biết, theo một số nghiên cứu ngẫu nhiên, 15% phụ nữ được giảm đau ngoài màng cứng khi chuyển dạ bị sốt so với 4% sản phụ khác không được giảm đau ngoài màng cứng.
Chính vì thế, biện pháp đẻ không đau không áp cho những trường hợp sản phụ bị cong cột sống, khe sống giữa 2 đốt sống hẹp nên không thể đưa kim vào để tiêm thuốc, hay có tiền sử máu không đông, nước ối bị nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ, mắc bệnh ngoài da tại khu vực xương sống thắt lưng, nhiễm trùng vùng lưng bệnh lý nặng của hệ thống thần kinh trung ương, dị ứng với thuốc tê nhóm amide, tụt huyết áp…
BS Huệ cho biết thêm, các sản phụ nên chuẩn bị kiến thức về chuyển dạ và cách thức để vượt cạn nhẹ nhàng và an toàn. Khi bắt đầu chuyển dạ, nếu đã áp dụng các cách như hít thở, thay đổi tư thế, thư giãn... Tuy nhiên, khi có mong muốn áp dụng bằng biện pháp đẻ không đau nên đăng ký sinh đẻ tại các cơ sở sản khoa lớn với các bác sĩ có trình độ chuyên môn.