Bé hóc do nuốt phải các loạt hạt

Khoảng 19h, ngày 12/6/2014, khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Vân Đình, Hà Nội) đã tiếp nhận bé trai Nguyễn Việt Hà, 6 tuổi, trong tình trạng mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim. Nhận thấy bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp cứu chữa ngay lập tức.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 1
Quả vải gây ra cái chết thương tâm cho bé trai 6 tuổi

Tuy nhiên, cháu Hà được đưa đến bệnh viện quá muộn nên mọi nỗ lực của bác sĩ đều thất bại. Quá trình cấp cứu các bác sĩ bệnh viện Vân Đình lấy ra 1 quả vải trong họng cháu Hà.

Người nhà nạn nhân cho biết, trước đó, khi đi chơi về, bé trai mở tủ lạnh ra lấy vải bóc vỏ, cho ngay cả quả vào miệng ăn và bị sặc. Cháu bé được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, người tím tái nên mọi nỗ lực của bác sĩ đều thất bại.

Bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Vân Đình cho biết, tai nạn dị vật đường thở như hạt ngô, lạc, đậu, vải, thạch… rất thường gặp với trẻ em.

Một trường hợp thương tâm cũng xảy ra vào tháng 2 khi bé trai CVAT (2 tuổi, trú tại đường Triệu Việt Vương) tử vong vì bị hóc hạt điều. Trong khi ăn hạt điều, bé T bị hóc ở cổ và được đưa đến Trạm Y tế Phường 3 trong tình trạng không còn mạch, cơ thể tím tái. Trạm y tế tiến hành các biện pháp cấp cứu tích cực nhưng đã quá muộn.

Trước đó, một bé trai 2 tuổi cũng lâm vào tình trạng nguy kịch do hóc hạt nhãn. Tai nạn xảy ra vào ngày 13/3/2013. Sau bữa cơm, trong lúc người lớn không để ý, bé Minh (Hà Nội) đã nuốt phải hạt nhãn dẫn đến ngừng thở.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 2
Ảnh minh họa

Bé được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng thở toàn thân, mất mạch cảnh, bẹn. Theo các bác sĩ do bị ngừng thở, ngừng tim quá lâu, nên nếu bé có qua khỏi thì khả năng bị biến chứng não là rất lớn.

Khi đó người thân đã thực hiện thủ thuật Heimlich nhưng không lấy được hạt nhãn. Kết quả thăm khám cho thấy hạt nhãn bị mắc trong họng, bịt kín toàn bộ thanh quản. Các bác sĩ đã thực hiện thủ thuật Heimlich và gắp dị vật bằng banh. Sau đó, do bệnh nhi ngừng thở nên được đặt nội khí quản và chuyển sang khoa Nhi.

Bé 10 tháng tuổi suýt chết vì nuốt pin máy tính

Ngày 3/9/2013, bé Hoàng Tiến Đ. (10 tháng tuổi) được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương vì sốt từng cơn, ho, khò khè, đau và quấy khóc nhiều (đặc biệt là khi trẻ ăn).

Sau khi thăm khám, trẻ được được chụp X - quang. Trên phim chụp lồng ngực cho thấy có một dị vật cản quang tròn đường kính 1,5cm có hai bờ.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 3
Nắp cục pin được lấy ra từ thực quản bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi TW.

Mẹ cháu bé cho biết, trước đó mấy ngày có tháo cục pin của máy tính để ra ngoài.

Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật pin thực quản bị bỏ quên có nguy cơ cao thủng thực quản do có chứa chất ăn mòn, đe dọa tính mạng, nhưng việc gắp cục pin ra là không thể trì hoãn. Các bác sĩ và điều dưỡng nội soi tiêu hóa, nội soi hô hấp, ngoại khoa, gây mê hồi sức, sau hơn 1 giờ đã lấy được cục pin kim loại hình tròn đã bị hoen gỉ, thực quản của bé bị loét sâu. Sau đó, sức khỏe của bé Đ. hồi phục dần.

Trước đó, Bệnh viện T.Ư Huế cho biết đã cấp cứu thành công một bệnh nhi 4 tuổi nuốt nhầm viên pin vào bụng, nhập viện ngày 25/1/2013. Bác sĩ Trần Như Nguyên Phương, trưởng khoa nội soi, cùng êkip sử dụng ống nội soi mềm đưa vào miệng qua thực quản và dạ dày rồi dùng dụng cụ can thiệp lấy viên pin ra ngoài.

2 bé trai nguy kịch vì nuốt phải kim lúc chữa răng

Ngày 12/4/2014, Khoa Nội soi thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhân là cháu Nguyễn Minh Q. (4 tuổi, ở Hà Nội).

Theo gia đình thuật lại lúc nhập viện, bé Q. bị sâu răng nên sáng cùng gia đình đưa cháu đến phòng khám bác sĩ chuyên khoa răng-hàm- mặt. Trong quá trình tiến hành chữa răng, bác sĩ có dùng 1 kim diệt tủy và do cháu Q. đột ngột lắc đầu nên đã nuốt phải kim.

Sau 4 giờ, cháu Q. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Trên phim chụp X quang, các bác sĩ nhận thấy có 1 dị vật kim loại nhọn trong dạ dày và chỉ định nội soi cấp cứu gắp dị vật. Theo các bác sĩ, nếu để lâu, nguy cơ cây kim đâm thủng hoặc gây thương tích cho bất kỳ bộ phận tiêu hóa nào trên đường nó đi qua là rất cao.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 4

Kíp phẫu thuật đã tiến hành nội soi gây mê cho bệnh nhi nuốt phải kim. Sau khi hút sạch thức ăn trong dạ dày, thấy 1 kim nhọn có cán màu vàng cắm vào thành dạ dày cùng với niêm mạc xung quanh có các vệt trợt đỏ do rớm máu.

Sau đó, dị vật được lôi lên thực quản và kéo ra ngoài miệng. Dị vật là chiếc kim sắc nhọn có chiều dài khoảng 3,5 cm. Hơn 1 giờ sau, bé Q. đã được ra viện.

Trước đó ngày 7/3, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận một trường hợp nuốt phải kim khác. Bệnh nhi là bé trai 4 tuổi, ngụ tại Long An. Được biết, trước nhi nhập viện cháu được gia đình đưa đến phòng nha để trám chiếc răng sâu. Trong lúc nha sĩ đang sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để can thiệp chiếc răng bị sâu, cậu bé bị mỏi hàm vì phải há miệng quá lâu nên bất ngờ ngậm miệng lại.

Sự cố không ngờ xảy ra khiến nha sĩ không kịp trở tay, cây kim dài 4 cm bị trôi tuột vào họng. Ngay sau khi tai nại nuốt phải kim xảy ra, bệnh nhi được nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Long An, nhận định tình huống nguy hiểm có thể xảy đến, bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi lên bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.

Phải mất khá nhiều thời gian, các bác sĩ mới phát hiện cây kim đang nằm ngang, đầu nhọn chuẩn bị xuyên qua thành ruột bệnh nhân. Sau nhiều nỗ lực và thận trọng di chuyển, cây kim cuối cùng cũng được đưa ra ngoài.

Bé gái bị bàn chải rơi vào dạ dày khi đánh răng

Đang chải răng thì mẹ gọi, bé gái K.N, 12 tuổi, ngước mặt lên trả lời khiến chiếc bàn chải dài gần 20 cm chui luôn vào bụng.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 5
Ảnh minh họa

Ngày 27/3/2014, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cho biết, đây là tai nạn rơi dị vật vào đường tiêu hóa hy hữu nhất mà bệnh viện này từng tiếp nhận. Nạn nhân được đưa đến viện trong tình trạng hoảng loạn. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định chiếc bàn chải đã đi qua thực quản và chui hẳn xuống dạ dày.

Do chiếc bàn chải nằm ngang trong dạ dày nên không thể xoay được bằng việc gắp nội soi. Cuối cùng, êkíp phải chấp nhận cách mổ hở để đưa chiếc bàn chải dài khoảng 20 cm ra khỏi dạ dày của bé gái.

Theo BS Nguyễn Văn Đẩu – Trưởng Khoa Răng hàm mặt và Phẫu thuật tạo hình, người tham gia kíp mổ - rất may, chiếc bàn chải không có góc cạnh sắc nhọn nên không gây thương tích cho hệ tiêu hóa của cháu bé.

Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe cháu K.N đã hồi phục.

Bé 13 tháng tuổi xẹp phổi vì nuốt phải bóng đèn

Ngày 7/12/2012, bé Đỗ Anh K. (13 tháng tuổi, ngụ Khánh Hoà) được chuyển đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, ho, kết quả chụp X-quang phổi cho thấy có hình ảnh cản quang trong đường thở kèm xẹp một phần phổi phải với chẩn đoán nghi ngờ dị vật đường thở.

Những ca hóc, nuốt dị vật nguy hiểm ở trẻ khiến cha mẹ phát hoảng 6
Dị vật nằm trong người bé là 1 bóng đèn led

Các bác sĩ Khoa Hô hấp phối hợp với Khoa Tai-Mũi-Họng ở Nhi Đồng 2 TPHCM sau đó đã quyết định nội soi bán khẩn để gắp dị vật ra. Cuộc soi gắp dị vật diễn ra rất khó khăn, bệnh nhi bị ngưng thở hai lần khi dị vật bị mắc kẹt ở vùng thanh quản.

Sau 3 tiếng vất vả chạy đua với thời gian, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là một bóng đèn có hai mấu sắt rất bén nhọn đã bị rỉ sét.

Mẹ bé K. cho biết chiếc bóng đèn lọt vào phổi con là loại bóng đèn nằm trong điều khiển ti vi từ xa (remote) và cũng không hề hay biết con nuốt lúc nào. Đến khi bị ho, sốt, đưa đến bệnh viện mới phát hiện ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ và thầy cô cần rất cảnh giác trong việc trông giữ trẻ hàng ngày vì tai nạn do hóc dị vật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí có những trường hợp trẻ tử vong ngay trước khi được đưa đi cấp cứu.

Vì thế, nếu trẻ không may bị sặc, hóc người lớn cần ngay lập tức làm thủ thuật Heimlich tại chỗ. Với những trẻ nhỏ đang ăn bột hay hoa quả bị hóc, nghẹn thì cần để trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Thao tác này giúp tác động mạnh vào lưng gây ho để bật dị vật ra. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên.

Tuyệt đối không vuốt xuôi vì làm thế vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi, tình trạng càng trở nên nguy hiểm hơn. Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Trong trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn hay dị vật nguy hiểm, phụ huynh phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để lấy dị vật.