Một ngày đầu tháng 11/2018, trên tài khoản mạng của nhân viên y tế công tác tại một bệnh viện (BV) phụ sản ở TP.HCM xuất hiện lời khẩn cầu với nội dung tìm kiếm người có nhóm máu AB/Rh(-). Người cần là một sản phụ vừa băng huyết, tình trạng vô cùng nguy kịch.
Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Đưa người phụ nữ băng huyết sau sinh, máu hiếm từ cõi chết trở về
Sản phụ P.T.X.T (32 tuổi) được chuyển từ BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) lên tuyến trên trong tình trạng mang thai lần 2, bị băng huyết sau sinh. Oái oăm thay, bệnh nhân lại mang máu hiếm AB/Rh(-) nên BV tỉnh không thể đáp ứng.
Tại BV Từ Dũ, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch, thiếu khối lượng tuần hoàn máu do không có máu bù, da xanh, niêm mạc nhạt. Mạch và huyết áp gần như không đo được.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng Mổ, khoa Gây mê hồi sức vào chiều 1/11.
15 giờ, toàn bộ nhân viên của khoa lập tức tập trung tại phòng mổ, chung tay điều trị cấp cứu cho sản phụ.
BS Từ Dũ cấp cứu cho sản phụ. (Ảnh: BVCC)
Ekip y BS đặt nội khí quản, truyền thuốc vận mạch để tăng huyết áp và báo động đỏ nội viện xin máu. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, huyết học cũng được điều động.
Sau khi nhân viên y tế phát lên lời kêu gọi ai mang nhóm máu Rhésus âm (RH-) khẩn trương đến BV hiến, thông điệp này nhanh chóng được hưởng ứng và người cho máu được tìm ra đầy may mắn.
35 phút hồi sức tích cực, sử dụng thuốc vận mạch liều cao và truyền máu, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch.
Sản phụ sinh tại BV Từ Tũ.
Sản phụ tiếp tục được khâu tầng sinh môn, thắt động mạch tử cung hai bên và được tiếp tục theo dõi tại phòng mổ.
Tối cùng ngày, bệnh nhân tỉnh và rút được nội khí quản. Tổng lượng máu đã truyền gồm: 4 túi máu O/Rh(-) (350ml/túi), 3 túi máu AB/Rh(-) (350ml/túi), 10 túi huyết tương đông lạnh (150ml/túi), 10 đơn vị kết tủa lạnh, 2 túi tiểu cầu.
Sản phụ đã sống sót trong thế ngàn cân treo sợi tóc.
Sinh con khi liệt cả tứ chi
Bố mất sớm, Nguyễn Thị Thanh B. (ngụ TP.HCM) trở thành trụ cột gia đình, lo toan cho mẹ già và hai em nhỏ.
8 năm trước, chị B. gặp tai nạn giao thông trên đường về khiến tứ chi bị liệt. Ít lâu sau mẹ B. cũng liệt nửa người, cuộc sống ngày một kiệt quệ.
33 tuổi, chị B. thèm được làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ khác.
Vậy là đánh cược với sức khỏe hiện tại, người phụ nữ hạ mình "xin" con từ một người đàn ông lạ.
Sau khi mang thai, đứa bé trong bụng chị B. lớn lên khỏe mạnh, dù bên ngoài mẹ đang chống chọi với vô vàn khó khăn.
Bệnh nhân khi còn điều trị tại BV ĐHYD TP.HCM.
Cận ngày lâm bồn, gia đình nghèo bấm bụng đưa chị B. đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) cầu cứu, khi không nhiều nơi có thể đỡ đẻ cho người không thể cử động cả tay chân.
ThS.BS. Lê Thị Kiều Dung, Trưởng Khoa Phụ sản, BV ĐHYD nhớ lại: "Đây là một trường hợp đặc biệt vì thai phụ hoàn toàn mất khả năng vận động.
Bệnh nhân có thể gặp những nguy cơ sau sinh, nhất là thuyên tắc mạch, ứ huyết trong lòng tử cung, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc chăm sóc em bé cũng là một thử thách".
Bằng sự cẩn trọng và phối hợp nhịp nhàng, các nhân viên y tế đã đưa bé gái kháu khỉnh nặng 2,8kg con chị B. chào đời.
Tuy nhiên, làm sao để nuôi dạy đứa trẻ nên người khi trong nhà có hai người phụ nữ tật nguyền là cả một câu hỏi lớn.
Sắp sinh thì ngưng tim, suýt cắt bỏ tử cung
Ngày 4/10, chị H.T.T.D (30 tuổi, ngụ Long An) nhập BV Hùng Vương (TP.HCM) với chẩn đoán song thai 36 tuần 6 ngày thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đang bị đái tháo đường.
Đến ngày 9/10, thai phụ được chỉ định mổ sinh vào ngày 9/10 vì song thai 2 nhau có dấu hiệu vỡ ối.
8 giờ 45 phút sáng cuộc mổ bắt đầu. Sau khi đưa được bé gái nặng 2.800 gram ra ngoài, các BS tiếp tục đưa bé trai ra khỏi bụng mẹ.
BS BV Hùng Vương phẫu thuật mổ bắt con cho sản phụ.
Thế nhưng đang sổ nhau thì mẹ bất ngờ co giật, tím tái, khó thở và ngưng tim. Một báo động đỏ toàn viện và liên viện nhanh chóng được thiết lập.
"Trước tình huống tối khẩn, chúng tôi tích cực hồi sức tim phổi. Tình hình càng khó khăn hơn khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu và suy đa cơ quan.
Bệnh nhân được thắt động mạch tử cung, may mũi B-Lynch cải tiến, đặt ống dẫn lưu và đóng bụng trước khi được chuyển sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị" - BS Nguyễn Đăng Quang, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hùng Vương kể.
Bé tiếp tục theo dõi tại BV Hùng Vương trong khi người mẹ chuyển sang BV Chợ Rẫy.
Tại BV Chợ Rẫy, sản phụ mất khoảng 1 lít máu và vẫn suy đa cơ quan do thuyên tắc ối. Mãi đến 20 giờ cùng ngày, tình trạng bệnh nhân mới dần ổn định và qua cơn nguy hiểm.
Điều quan trọng là trong thời khắc khó khăn nhất, các BS đã quyết định bằng mọi cách không cắt bỏ tử cung để bảo toàn khả năng sinh nở cho bệnh nhân.
Giữ con đã mất trong bụng 1 ngày vì tương lai sản khoa của mẹ
Câu chuyện đau lòng này xảy ra với chị C.K.N (24 tuổi, quê TP.HCM).
Sáng 29/10, chị N. đến BV Từ Dũ khám vì đau bụng, khi thai đã hơn 39 tuần tuổi.
Sau khi xác định thai phụ chưa có dấu hiệu sinh, chưa vỡ ối, các BS cho bệnh nhân về nhà theo dõi với lời dặn khi nào tử cung mở hai phân (2 cm) hoặc có dấu hiệu đau bụng, ra huyết… thì quay lại BV ngay.
Đến rạng sáng 31/10, thai phụ quay lại BV. Tuy nhiên lúc này sau khi đo thai máy và cho siêu âm, các BS phát hiện thai nhi đã mất tim thai.
Thông tin trên khiến gia đình sản phụ sốc. Họ bức xúc muốn BV phải giải thích rõ ràng nguyên nhân, đồng thời đưa thai nhi ra ngay.
Khoa Sản G, nơi xảy ra sự việc.
Tuy nhiên theo BS Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV, vì tương lai sản khoa của bệnh nhân, BS không thể làm việc này.
"Thai lấy ra liền chỉ có cách mổ bắt con. Điều này có thể xảy ra những tai biến về sau. N. sanh thường ca này được, sau khi sanh thường có thể mang thai lại sớm" - BS Hoàng phân tích.
Đây là lý do mà sản phụ N. được cho nằm theo dõi, uống thuốc giục sinh 1 ngày rồi mới đưa con đã mất khỏi bụng mẹ.
Về lý do bé tử vong, các BS cho biết đây là tai biến mà đến giờ y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Mỗi năm trong số hơn 60.000 ca đỡ đẻ, BV Từ Dũ luôn có vài trường hợp như vậy.
Các BS nhắn nhủ các bà mẹ đang mang thai: Khi có triệu chứng bất thường xảy ra trong thai kỳ như đột ngột đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, hoa mắt, chóng mặt… thì phải đến BV ngay.
Đừng chần chờ vì đó có thể là triệu chứng của những biến chứng xảy ra trong thai kỳ.