Những cái chết thương tâm ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Các bác sĩ Hàn Quốc biểu tình ở Seoul ngày 3/3. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo của Giáo sư Cheong Yooseok ở ĐH Dankook, cô là một trong hơn 3.750 bệnh nhân đã tử vong từ năm 2017, sau khi bị bệnh viện từ chối.

Thống kê gây kinh ngạc về một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á, khi vấn đề bác sĩ trở thành câu chuyện lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/4.

Dù quốc gia này nhận được nhiều lời khen với tỷ lệ tử vong thấp trong đại dịch COVID-19, nhưng mối bận tâm lớn nhất hiện nay là tình trạng kém hiệu quả, lãng phí và động lực kinh tế lệch lạc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Các trung tâm y tế nổi tiếng ở Seoul tràn ngập bệnh nhân, trong khi phần còn lại của đất nước chật vật vì thiếu bác sĩ. Cuộc đình công trên toàn quốc kéo dài 6 tuần qua của gần 13.000 bác sĩ thực tập và nội trú để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Ông Jung Seung-pyo, một bệnh nhân ung thư thực quản sống trên đảo Jeju, bay đến Bệnh viện Bundang thuộc Đại học Quốc gia Seoul để phẫu thuật vào tháng 6/2024. Đáng lẽ ông phải được tái khám 4 tuần 1 lần, nhưng có khi phải mất vài tháng mới đến lượt.

“Không có bác sĩ nào trên hòn đảo này có thể điều trị ung thư thực quản. Mọi thứ đều tập trung ở Seoul”, ông Jung nói về vùng đất ông đang sinh sống, nơi có dân số gần 700.000 người.

Ông Gaetan Lafortune, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết Hàn Quốc có số bác sĩ bình quân đầu người thấp nhất trong tất cả các nước phát triển và không tăng số lượng sinh viên y khoa trong hơn 2 thập kỷ.

Ông cho biết, các yếu tố nhân khẩu học, như dân số già đi nhanh chóng, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu bác sĩ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng biện pháp tăng số lượng bác sĩ. Tuy nhiên, ông bị chỉ trích là dân túy, khi làm điều đó trước cuộc bầu cử Quốc hội.

Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ đang nắm quyền, nhưng họ muốn giành thêm hàng chục ghế từ đảng Dân chủ đối lập để có thể kiểm soát cơ quan lập pháp quốc gia.

Tại một cuộc điều trần vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Yoon cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe đang “sụp đổ”. “Bây giờ là thời điểm vàng để thúc đẩy cải cách”, ông nói.

Tuy nhiên, chính các bác sĩ lại phản đối tăng số lượng sinh viên y khoa, cho rằng đề xuất của chính phủ không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Họ cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do những bác sĩ làm việc tại những khoa quan trọng được thanh toán theo hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, được trả lương thấp hơn nhiều so với bác sĩ làm ngoài, nhất là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Sự chênh lệch về lương thưởng và cơ sở hạ tầng giữa Seoul và khu vực nông thôn cũng gây ra tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở các tỉnh, thành khác.

Ngành phẫu thuật thẩm mỹ phát triển mạnh mẽ giúp du lịch y tế phát triển bùng nổ ở Hàn Quốc. Hơn 8 triệu bệnh nhân nước ngoài đến đây trong giai đoạn từ năm 2009 – 2022.

Trong khi đó, các khoa thiết yếu như nhi khoa lại ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Y tế, chỉ có 53 bác sĩ nội trú đăng ký khi đang thiếu 205 bác sĩ nhi khoa cho năm 2024 và trong đó chỉ có 8 người chịu làm việc ngoài Seoul.

Ông Cho Seung-yeon, giám đốc Trung tâm Y tế Incheon, cho biết, việc tuyển bác sĩ làm việc ngoài thủ đô rất khó khăn. Ông không tìm được người đứng đầu bộ phận lọc máu trong suốt 2 năm. Ông cho biết, một bệnh viện công khác đã đề nghị trả lương 1 triệu USD cho một bác sĩ tim mạch.

Theo bác sĩ này, bác sĩ làm cho các phòng khám tư nhân có thể kiếm được hơn 300.000 USD mỗi năm, trong khi những người mở phòng khám riêng có thể kiếm được nhiều hơn thế. Bác sĩ Cho đề nghị mức lương 200.000 USD mỗi năm cho các bác sĩ tại bệnh viện công của ông ở Incheon, nhưng rất ít người đến.

Ngay cả ở Seoul cũng thiếu bác sĩ.

Ông Kim Sung-ju, 62 tuổi, phải phẫu thuật ung thư thực quản cách đây chục năm. Ba tháng một lần, ông phải đến gặp bác sĩ tại Bệnh viện St. Mary Seoul ở Gangnam, một khu dân cư cao cấp ở Seoul.

“Tôi thực sự không hiểu tại sao phải đến bệnh viện lớn này ba tháng một lần, bởi vì tôi chỉ được nói chuyện với bác sĩ trong 3 phút. Tôi từng nghĩ hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc là tốt nhất thế giới, nhưng giờ đây nó đang trở thành hệ thống tồi tệ nhất thế giới”, ông nói.

Tổng thống Yoon khẳng định sẽ không từ bỏ điều mà ông gọi là “đòi hỏi tối thiểu” để khắc phục vấn đề thiếu bác sĩ. Gần 4/5 người dân Hàn Quốc ủng hộ việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Cho Kyoo-hong cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Một y tá qua đời vào tháng 8/2022 tại một trong những bệnh viện tốt nhất Hàn Quốc, nơi cô ấy làm việc, vì không có bác sĩ nào điều trị cho cô ấy".

Theo Bloomberg