Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ trở thành người tự tin và bản lĩnh. Nhưng đôi lúc chính cha mẹ không nhận ra rằng cách hành xử của mình lại làm con mất tự tin. Dưới đây là những câu nói của cha mẹ dễ làm tổn thương khiến con cái mình dần trở nên mất tự tin, kém cỏi, thu mình trong tương lai.

Những câu nói của cha mẹ dễ khiến con mất tự tin trong tương lai - Ảnh 1.

Một trong số những nguyên nhân quan trọng giúp trẻ thêm tự tin đó chính là phương pháp giáo dục của cha mẹ. (Hình minh họa)

"Việc này dễ thế mà con cũng không làm được à?”

Cha mẹ có thể dễ dàng giải quyết một công việc nhưng công việc ấy có thể khiến con phải vật lộn hàng giờ. Lúc đó, nhiều người thường nói: “Quá đơn giản, con có thể làm được mà”. Dù biết câu nói này là nhằm mục đích khích lệ con nỗ lực hơn nhưng bạn có bao giờ nghĩ theo hướng ngược lại.

Con bạn sẽ cho rằng: “Việc đơn giản thế này mà mình không làm được, thôi thì mặc kệ vậy”. Suy nghĩ này sẽ dễ khiến con bạn chán nản và muốn bỏ cuộc.

Thay vào đó, hãy nói với con rằng: “Việc này khá khó đấy”. Và khi bé hoàn thành công việc, cha mẹ hãy khích lệ rằng: “Con đã làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực” . Dù chưa thể hình dung được vấn đề nhưng ít nhất trẻ biết rằng mình vừa làm được một việc khá khó. Cách tiếp cận này sẽ giúp khích lệ và làm con tự tin hơn.

“Sao con làm lại hỏng vậy, để đấy cha/mẹ làm cho mà xem”

Con bạn cần phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Con sẽ cảm thấy hạnh phúc nhường nào khi nhìn thấy thành quả bản thân đạt được và trở nên tự tin hơn. Nhiều cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con bằng cách thay con làm mọi việc. Tuy nhiên, chính điều này khiến con bạn đánh mất cơ hội học được kỹ năng sống và khả năng làm việc độc lập. Sau tất cả lại khiến con sinh ra suy nghĩ: “Bản thân không có năng lực”.

Thay vì ôm lấy tất cả công việc, hãy chia nhỏ chúng ra thành các phần việc phù hợp với sức của con. Khi trẻ được tham gia vào công việc chung của gia đình, chúng sẽ trở nên sống có trách nhiệm và tự tin vào bản thân.

“Sao con không giống người ta?”

So sánh luôn khiến trẻ tự ti về bản thân. Nhiều em sẽ nảy sinh cảm giác ghen tị với bạn bè khi liên tục bị cho là lép vế hơn hoặc tức giận với cha mẹ. Các bé cũng sẽ tự nghi ngờ về năng lực của bản thân và cố ganh đua để vượt qua bạn bè.

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau nên phụ huynh không nên so sánh. Thay vào đó, bạn hãy tìm ra điểm mạnh, yếu của con để khắc phục hoặc phát huy. Hãy dành thời gian so sánh con với bạn bè để giúp các bé trở nên tốt hơn.

“Con làm gì cũng không nên hồn”

Phủ nhận khả năng đồng nghĩa với việc khuyến khích trẻ bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Những đứa trẻ bị cha mẹ nói như vậy thường suy nghĩ rằng "không việc gì phải cố gắng vì có cố cũng không thể làm nên trò trống gì". Cách tư duy này bào mòn sự tự tin của trẻ, biến các em thành người lười biếng, nhút nhát.

Khi trẻ thất bại, phụ huynh hãy khuyến khích con thử lại. Nếu các bé quá áp lực trước mục đích thành công, bạn đừng ép buộc con tiếp tục, hãy phân tán sự chú ý của con sang các hoạt động khác để trẻ thư giãn. Cuối cùng, hãy luôn nhắc trẻ nhớ rằng trẻ có tiềm năng vô hạn để vượt qua khó khăn, chỉ cần tin vào bản thân.

“Có mỗi việc học mà cũng không xong thì làm được gì”

Đâu phải cứ điểm kém thì sẽ “không làm được gì”? Con có thể không học giỏi các môn tự nhiên, nhưng ở trường, con luôn được mọi người “trầm trồ” khen ngợi giọng hát. Con có thể không xếp trong top 5 hay top 10 của lớp, nhưng con hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài kia, biết cách tổ chức một sự kiện nho nhỏ.

Nếu ba mẹ cứ mắng con bằng câu nói đó, con sẽ mãi cho rằng “học kém” thì chẳng làm được việc gì khác. Rồi con sẽ tiếp tục tự ti và cho rằng bản thân yếu kém. Con học với tâm trạng không thoải mái, và cũng chẳng thiết tham gia bất cứ hoạt động nào. Lúc ấy, con thực sự trở thành một người “không làm được trò trống gì”.

“Học cái hay không học, toàn học cái xấu”

Có thể con có những hành động và cách cư xử giống cha, nhưng không phải là do con cố tình bắt chước.

Con yêu thương và tôn trọng cha mẹ. Con ở bên cha mẹ nhiều hơn bất kỳ ai khác. Bởi vậy nên tính cách của con, không giống cha mẹ, thì có thể giống ai được nữa?

Khi mẹ nói như vậy với con, con lại trăn trở xem liệu mình có nên trở thành một người giống cha? Liệu cha có phải là một hình mẫu tốt? Hay con là một “phiên bản lỗi” của cha? Và ngược lại.

Giá như bố, mẹ phân tích cho con hiểu các vấn đề liên quan đến tích cách như thế nào, hậu quả của cách ứng xử sai sẽ ra sao, thì con sẽ bớt tức giận, bớt buồn rầu và bớt tự ti đi một chút.

“Sao nói mãi rồi mà không khôn lên được? Con có biết suy nghĩ không?”

Con biết, cha mẹ phải nhắc con rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại những việc mà con mãi vẫn chưa chịu thay đổi. Nhưng con nghĩ để hình thành một thói quen thì cần nhiều hơn là những lời mắng mỏ hay trách móc. Đó đâu phải câu chuyện cứ “khôn” là làm được, cứ “biết suy nghĩ” là sẽ xong.

Cha mẹ nói như vậy chỉ khiến con cảm thấy tức giận, cảm thấy không được tôn trọng, và không muốn tự mình thay đổi. Thêm bực dọc mà lại không giúp thay đổi hành vi, con thấy câu nói này không phù hợp.

Con đã lớn, con có những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Khi cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó, cha mẹ hãy gọi con ra, nói chuyện, phân tích cho con hiểu và cùng con tìm cách giải quyết. Những lời trách móc “vô thưởng vô phạt” chẳng khác nào những “cái tát” vô hình, chúng làm tổn thương con nhiều.