Những cây hút tiền, sinh lộc…có thể gây sưng họng, nghẹt thở - Ảnh 1.

Người dân nên tìm hiểu kỹ các loại cây hoa cảnh trước khi đưa vào nhà để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Ảnh minh họa

Những loại cây cảnh cực độc

Tháng 7/2015 ở tỉnh Tiền Giang có 3 cháu nhỏ phải nhập viện khẩn cấp khi có các triệu chứng nôn ra máu, đau rát cổ họng, sưng phù môi... sau khi ăn phải lá cây kim phát tài. Y học thế giới cũng ghi nhận một bé gái 12 tuổi ở Cộng hòa Czech bị ngộ độc sau khi nuốt phải lá Vạn niên thanh và bị thủng động mạch chủ thực quản, gây xuất huyết ồ ạt, phải can thiệp bằng phẫu thuật…

Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ (tác giả cuốn “Loài hoa và cây độc có thể gây chết người”), cây Kim phát tài (kim tiền) được coi là mang đến sự phú quý, giàu sang và tiền bạc, có thể hút bụi, vi khuẩn và một số khí độc. Nhưng chất độc canxi oxalate trong cây có thể gây kích ứng các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng, kết mạc mắt, mềm, kết mạc mắt, nặng hơn có thể gây nôn nao, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Cây đỗ quyên (hoa báo xuân) sắc màu đẹp, nhưng trong cây có chất grayanotoxin. Trẻ có cân nặng 25kg chỉ ăn phải 100-225g lá đỗ quyên cũng bị ngộ độc nặng. Tất cả hoa, lá, thân đỗ quyên cũng có chất độc.

Xương rồng bát tiên cũng làm trẻ em dễ gặp nguy hiểm không phải vì những cái gai, mà vì có chất độc gây bỏng, rát làn da mỏng của trẻ. Cây thiên điểu (hoa chim thiên đường) hoa đẹp, rực rỡ, ai cũng thích đứng chụp ảnh, nhưng chỉ cần đứng lâu bên hoa, hay ngắt hoa ngửi là cũng dễ gặp triệu chứng khó chịu, nuốt hay ăn phải hoa và hạt thì cũng sẽ ngộ độc gây tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn.

Trong cuốn “Sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi và Từ điển cây thuốc Việt Nam của GS.TS Võ Văn Chi cũng có viết về cây vạn niên thanh, kim tiền, hồng môn… đẹp, dễ trồng nhưng có độc tố trong thân, lá, nhựa cây và có thể gây hại cho trẻ nếu tiếp xúc. Theo đó, vạn niên thanh (thuộc họ nhà ráy) được coi là thanh lọc không khí, mang lại may mắn, nhưng độc tố ở lá, nhựa cây... khi tiếp xúc hay dính vào mắt, da sẽ gây bỏng rát, dị ứng, có thể cứng miệng, bỏng miệng, nghẹn họng… và có thể gây chết người.

Lá và củ cẩm tú cầu gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp, bị đau bụng trong nhiều giờ. Nặng có thể hôn mê và co giật. Phấn hoa cẩm tú cầu phát tán làm da người bị dị ứng, nhất là trẻ em.

Có những cây - hoa thầy thuốc Đông y dùng độc chất của nó làm thuốc, nhưng người bình thường tiếp xúc vị trí nào của cây cũng bị nổi mẩn đỏ, ngứa, nhức đầu, thấy ảo giác, hôn mê và có thể gây mù mắt, hoặc tử vong. Ví như, cây cà độc dược hoa trắng nhưng thân, lá của nó ăn hay ngửi phải sẽ bị buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, thậm chí là ngừng tim, tử vong. Có người đã tự ý sắc lá và hoa để chữa bệnh viêm xoang, khiến chất độc phát tác gây co thắt các mao mạch mũi lại cứ tưởng là khỏi bệnh, nhưng thực ra khứu giác dần mất, không cảm nhận được mùi nữa.

Cần tìm hiểu kỹ các loại cây hoa cảnh trước khi đưa vào nhà

Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, hoa, cây cảnh gắn bó và giúp tâm hồn con người thư thái mỗi khi về nhà. Song có những loài hoa màu sắc rất đẹp, nhưng lại chứa những chất độc, có thể nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Vì vậy, TS Nguyễn Hoàng Điệp đã chọn lọc và viết cuốn “Loài hoa và cây độc có thể gây chết người” giúp người dân phân biệt khi mua sắm bình hoa, chậu cảnh bài trí cho ngôi nhà thêm rực rỡ có sức sống, loại bỏ những loài hoa và cây có tác động xấu đến sức khỏe con người, nhất là dịp lễ Tết.

Theo các nhà khoa học, cây cảnh được chia làm 2 loại: Cây ngoại thất (cây nhả CO2 và thu O2 vào ban đêm) và cây nội thất (cây nhả O2 và thu CO2 vào ban đêm), vì vậy đưa cây cảnh vào nhà tuyệt đối không để trong phòng ngủ, phòng đóng kín vì sẽ gây thiếu ôxy, ngạt thở.

Nhiều loại hoa cây – hoa cảnh không chỉ độc với trẻ em, mà còn độc cả với mọi người sống trong không gian có cây – hoa cảnh đó. Vì vậy, người dân nên tìm hiểu kỹ các loại cây hoa cảnh trước khi đưa vào nhà, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên trồng các loại hoa, cây cảnh vì có thể chúng có độc mà không biết. Nếu nhà có cây hoa cảnh, hãy để cây thật xa khỏi tầm tay trẻ em, nhằm tránh việc trẻ hiếu động, hay sờ mó, bứt, ngắt hoa lá cảnh cho vào miệng. Trẻ còn hay nghịch đất trong chậu cảnh vừa bẩn, vừa dễ nhiễm giun sán. Vì vậy các bố mẹ, ông bà, người trông trẻ tuyệt đối không để trẻ cầm, hay cho vào miệng bất cứ loại lá cây, hoa quả cảnh nào vào miệng.

Người lớn cũng không nên dùng hóa chất tưới bón cây cảnh, gây ô nhiễm sẽ gây họa cho trẻ và người thân. Những người hay bị dị ứng, cơ địa mẫn cảm cũng không nên trồng cây hoa cảnh trong nhà, đặc biệt là loại có hương nồng, vì có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Các nhà khoa học khuyên người dân hạn chế trồng các cây hoa cảnh có độc xung quanh nhà như cây ngô đồng, trúc đào… vì cây độc nhưng hoa đẹp nên nhiều trẻ sẽ bị thu hút bứt ngắt, "nếm" thử.

Trong nhà có nhiều cây cảnh, nếu thấy trẻ hoặc người lớn có hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê… thì cần đưa đi cấp cứu ngay để tránh ngộ độc nặng.