Tôi không hề biết gì về Cole cho đến khi gặp em. Cole nằm trong danh sách những bé trai theo học tại một trường tư ở ngoại ô thành phố Boston, Massachusetts (Mỹ), người đồng ý trò chuyện với tôi. Vào buổi phỏng vấn đầu tiên, tôi đã đến muộn. Tôi chạy về phía hành lang của trường thì nhìn thấy một cậu bé đang đứng bên ngoài thư viện, đó chắc hẳn là Cole. 

Những chàng trai Mỹ và áp lực vô hình không cho phép yếu đuối, buộc phải làm đàn ông mạnh mẽ đến nỗi chẳng ngại chà đạp phụ nữ - Ảnh 1.

Cole miêu tả bản thân mình là một chàng trai da trắng yêu thể thao bình thường. Ở tuổi 18, cậu cao hơn 1,8m. Vào mùa thu sắp tới, cậu định theo học tại học viện quân sự. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng chàng trai này sẽ rất khó mở lòng với tôi nhưng Cole đã làm tôi bất ngờ. Anh chàng đưa cho tôi xem màn hình điện thoại là ảnh của bạn gái và tự hào khoe rằng "cô ấy thông minh hơn em nhiều". 

Cole cho biết vào 4 năm trước, em đã vô cùng lo lắng khi lần đầu nhập học ở trường. Cậu được nhận vào đây nhờ đậu học bổng. Cole sợ rằng mình không thể hòa hợp với mọi người và khó kết bạn. 

"Em có thể nói chuyện thoải mái với các bạn gái nhưng cảm giác hoàn toàn khác khi ở cùng với những bạn nam. Những lúc đó, em phải trở thành 1 người anh em của họ và em không biết phải làm điều đó như thế nào" - Cole trải lòng.

Khi nhắc đến từ "anh em", Cole nhìn về một hướng khác và hít một hơi thật sâu. Sau một thời gian lo lắng thì Cole cũng dần dần tìm được những người đồng đội dù không phải ai cũng là người phù hợp. Cole kể lại một vụ việc xảy ra cách đây 2 năm, 1 đàn anh đã lôi anh vào phòng thay đồ để kể cho anh nghe về việc cặp kè với 1 cô bạn cùng lớp nhưng vẫn thoải mái hẹn hò với những cô gái khác. Người đàn anh ấy không hề xấu hổ khi kể cho Cole nghe tất cả những chi tiết. Trong khi Cole và 1 người bạn khác khuyên nhủ là lăng nhăng như vậy là chuyện sai trái nhưng anh chàng sinh viên kia chỉ cười. Ngày hôm sau, đàn anh ấy bắt đầu nói về ý định níu kéo bạn gái. Lần này, Cole im lặng.

Tôi đã dành 2 năm để trò chuyện với những thiếu niên trên khắp nước Mỹ, hơn 100 người trong số đó thuộc độ tuổi từ 16 đến 21. Nội dung các buổi trò chuyện của chúng tôi xoay quanh cuộc sống, tình yêu và tình dục, những điều đã mài giũa, giúp họ trở thành 1 người đàn ông thực thụ. Thế là tôi mắc kẹt với những thiếu niên đang hoặc chuẩn bị lên đại học bởi vì họ chính là những người sẽ xây dựng nên các chuẩn mực văn hóa. 

Hầu hết những chàng trai ấy đều có ý nghĩ bình đảng giới tính giữa phái nam và nữ. Họ xem những bạn nữ cùng lớp là người thông minh và có năng lực, xứng đáng có được địa vị cao trong xã hội. Tất cả đều có bạn là nữ giới và bạn trai đồng tính. Đây có lẽ là một sự khác biệt rất lớn đối với thế hệ thiếu niên từ năm 50, 40 hoặc thậm chí chỉ 20 năm về trước. Giới trẻ giờ đây có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin tiên tiến.

Những chàng trai Mỹ và áp lực vô hình không cho phép yếu đuối, buộc phải làm đàn ông mạnh mẽ đến nỗi chẳng ngại chà đạp phụ nữ - Ảnh 2.

Khi được hỏi người đàn ông thế nào là lý tưởng, hầu hết mọi người đều chọn những đặc điểm như vẻ ngoài hầm hố, hiếu chiến, chơi thể thao, có năng lực tình dục... và giàu có. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu đổi khác trong thời gian gần đây. Bằng chứng là kết quả cuộc khảo sát hơn 1000 thiếu niên 19 tuổi vào năm 2018 cho thấy, có đến 1/3 trong số những chàng trai trẻ cảm thấy áp lực khi phải kiềm chế cảm xúc thật mỗi khi buồn hoặc sợ hãi để chứng tỏ mình là một người đàn ông thực thụ. 40% trong số đó nói rằng họ tức giận vì xã hội luôn mong muốn rằng đàn ông là phải luôn sẵn sàng chiến đấu.

Trong 1 cuộc khảo sát khác được thực hiện ở Mỹ, Anh và Mexico thì đàn ông Hoa Kỳ thừa nhận họ chịu nhiều áp lực hơn từ phía xã hội, như phải quan hệ với càng nhiều phụ nữ càng tốt. Đàn ông Mỹ kỳ thị người đồng tính và phải liên tục nhắn tin cho người yêu bởi đàn ông xứng đáng được biết về nhất cử nhất động của người phụ nữ bên cạnh.

Đối với Cole, mỗi khi được lựa chọn, anh sẽ chọn làm việc nhóm với 1 bạn gái để tránh phải tranh giành với các nam sinh khác. 

"Với bạn gái, em cảm thấy an toàn hơn mỗi khi trò chuyện, đưa ra các thắc mắc hoặc thừa nhận mình đã làm sai điều gì đó và nhờ được giúp đỡ" - Cole cho biết.

Trong suốt những năm mới vào học, Cole không bao giờ dám rủ bạn bè ăn chay vì đó không phải là việc một thiếu niên chơi thể thao làm. Mọi người thường chê cười ý kiến đó của Cole bởi họ cần phải uống protein, họ cần phải trở nên vạm vỡ hơn nhờ vào thịt. Thế nhưng, nguyên nhân chính khiến ý kiến của Cole bị bác bỏ là do đồ ăn chay sẽ biến các chàng trai trở nên nữ tính hơn.

Những chàng trai Mỹ và áp lực vô hình không cho phép yếu đuối, buộc phải làm đàn ông mạnh mẽ đến nỗi chẳng ngại chà đạp phụ nữ - Ảnh 3.

Nhà tâm lý học William Pollack của đại học Harvard cũng tin rằng các nam thiếu niên thường bị mắc chứng bệnh xấu hổ, họ luôn lo sợ bị những người xung quanh chê cười nếu như dám kể lể về những vấn đề cá nhân. Cuộc trò chuyện của tôi và Cole đã chứng minh điều này là đúng. Các chàng trai trẻ thường cảm thấy mình không được công nhận, bởi bạn bè đồng trang lứa, bạn gái, giáo viên, huấn luyện viên và nhất là bố của họ. 

Cole trải qua quãng thời gian tuổi thơ sống trong vòng tay của bà ngoại, mẹ và chị gái. Cole nói về mẹ với tông giọng đầy yêu thương và tôn trọng nhưng thái độ của em đổi khác hoàn toàn khi nhắc đến bố. 

"Ông ấy là người tốt nhưng tôi không thể là chính mình khi ở cạnh bố. Tôi cảm giác như mình phải giữ tất cả mọi thứ lại ở đây (Cole chỉ vào lồng ngực) để ông ấy không thể thấy. Những tâm tư như thể điều cấm kỵ, dù nó không hề tồi tệ như những vấn đề khác như loạn luân" - Cole nói.

Những chàng trai Mỹ và áp lực vô hình không cho phép yếu đuối, buộc phải làm đàn ông mạnh mẽ đến nỗi chẳng ngại chà đạp phụ nữ - Ảnh 4.

Rob, 18 tuổi, là sinh viên năm nhất của đại học North Carolina. Bố Rob luôn động viên con trai phải trở nên mạnh mẽ và nam tính hơn mỗi khi anh chàng gặp khó khăn trong việc học hoặc chơi bóng chày. Và đó chính là lý do vì sao Rob hiếm khi tâm sự với ai về tâm tư trong lòng bởi anh luôn nghĩ rằng: "Nếu mày không thể tự mình giải quyết được thì mày không phải đàn ông. Mày chưa cố gắng hết sức".

Trước khi gặp tôi, Rob đã chia tay với cô bạn gái em quen hồi trung học được 4 tháng. Cả hai hẹn hò được hơn 3 năm và bất chấp trường đại học cách xa nhau nhưng họ vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ. Thế rồi chỉ vài tuần sau khi nhập học, Rob nghe tin bạn gái đã phản bội mình và quyết định chia tay rồi rơi vào cơn trầm cảm. 

Khi tôi hỏi em đã trò chuyện với trong suốt khoảng thời gian đó, Rob ngập ngừng. Nếu như Rob kể chuyện chia tay với bạn, anh chàng sẽ nhận lời đáp trả: "Đừng có ủy mị như vậy". Người duy nhất Rob có thể thoải mái cởi bỏ chiếc mặt nạ mạnh mẽ để tự tin tâm sự về mọi chuyện trong cuộc sống chỉ là duy nhất cô bạn gái cũ. Trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, Rob kể chuyện của mình với mẹ nhưng anh nhất định không khóc, "tôi không không bao giờ khóc".

Tôi đặc biệt chú ý khi các chàng trai nhắc đến chuyện khóc lóc. Hầu hết đều cho rằng đó là điều đáng xấu hổ. Những người phụ nữ như tôi, từ khi sinh ra đã có sẵn đặc quyền được khóc nên ban đầu, tôi không hiểu lắm về điều tưởng chừng như hiển nhiên này. Chỉ khi thực hiện một vài cuộc phỏng vấn, tôi nhận ra những chàng trai khi nói về chuyện khóc lóc, họ sẽ rơi nước mắt trước mặt tôi mà không cần phải kiềm nén hay giấu giếm. Hoặc ngược lại như Rob, chàng trai không cho phép bản thân được yếu đuối bất kỳ phút giây nào, lại làm tôi thật sự muốn khóc.

Tôi đã từng nói chuyện với 1 thiếu niên 15 tuổi ở bờ Đông nước Mỹ, là 1 trong những học sinh bị đình chỉ việc học ở trường vì góp tay lan truyền hơn 100 lời đùa giỡn về tình dục và phân biệt chủng tộc đối với bạn bè cùng lớp lên một diễn đàn gọi là Finsta. Nam sinh này cho biết Finsta là một môi trường cạnh tranh, tất cả đều nhắm đến mục đích là khiến bạn bè cười.

Điều khiến tôi bực tức nhất là việc cố tỏ ra hài hước trở thành một lý do biện hộ đối với không ít trường hợp xâm hại, tấn công tình dục. Ví dụ như 1 bé trai đến từ Steubenville, Ohio, bị cảnh sát bắt khi liên tục cười đùa về việc 1 cô gái bị các cầu thủ bóng đá trường phổ thông bạo hành tình dục đến bất tỉnh.

"Họ cưỡng bức cô ấy rất nhanh. Khi một người nào đó nói ràng hiếp dâm không vui, đúng là nó không vui, nó rất hài hước" - bé trai này nói.

Những chàng trai Mỹ và áp lực vô hình không cho phép yếu đuối, buộc phải làm đàn ông mạnh mẽ đến nỗi chẳng ngại chà đạp phụ nữ - Ảnh 5.

Đây là cách các nam thanh niên dùng để biện hộ cho những việc làm sai trái của mình mà không hề quan tâm đến cảm xúc của người khác. Bản thân không ít nam sinh cũng biết việc làm của mình không đúng nhưng không ai dám đứng lên để chống lại mọi người xung quanh, họ sợ bản thân sẽ trở thành đối tượng bị tấn công tiếp theo. 

Trong buổi phỏng vấn, Cole chia sẻ với tôi rằng em quyết định nhập ngũ sau khi học lớp lịch sử về vụ thảm sát Mỹ Lai xảy ra hồi năm 1968. Thời điểm đó, quân lính Hoa Kỳ đã tấn công người dân Việt Nam tay không tấc sắt và thậm chí còn cưỡng bức những đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi. 

"Em muốn được đứng ở vị trí của người chỉ huy, để chỉ đạo cấp dưới không được làm điều sai trái như vậy" - Cole nói. 

Tôi cảm thấy tự hào về mục tiêu cao cả của Cole nhưng nếu em không tập đứng lên vì lý tưởng của mình từ bây giờ thì khi nào em mới có thể.

"Em biết chị sẽ hỏi điều này. Em cũng không biết nữa vì hiện tại, chúng ta vẫn đang sống trong một nền văn hóa đề cao sự nam tính, nơi mọi người có thể gọi phụ nữ là ủy mị hay thậm chí là những con giòi. Đúng vậy, họ ví phụ nữ như những con giòi cốt để đề cao đàn ông là những người mạnh mẽ. Để chống lại suy nghĩ đó, chúng ta cần thuyết phục mọi người rằng không nhất thiết phải 'dìm' người khác xuống mới có thể chứng tỏ bản thân mình. Em không biết mình nên làm gì hoặc có thể em cần một chút sức mạnh của siêu nhân. Điều mà em có thể làm tốt nhất là trở thành một người đàn ông đàng hoàng, em sẽ trở thành ví dụ cho mọi người thấy" - Cole nói.

Cole dừng lại, nhíu mày và tiếp tục: "Em thật sự hy vọng điều mình làm có thể làm nên sự khác biệt".

(Nguồn: The Atlantic)