Những chiếc xe lôi chỉ có thể tìm thấy ở miền Tây: Dịch vụ 5 sao, tài xế kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch
Đến nay có thể nói, Hà Tiên là thành phố duy nhất còn giữ lại mô hình "xe lôi chở khách".
Xe lôi (hoặc xe vua) là một phương tiện di chuyển quen thuộc của người miền Tây. Mặc dù chỉ có một tên gọi chung nhưng tùy theo tính chất di chuyển mà mỗi địa phương sẽ có một thiết kế khác nhau cho loại xe này.
Chẳng hạn như xe lôi ở Cần Thơ thường có hình dạng thùng xe giống nhau, trên những chiếc thùng này thường có mui vải cong trùm che nắng mưa, thường để chở khách. Còn riêng ở vùng biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang thì khác, vì đặc trưng là vùng "buôn hàng", nên kiểu xe lôi thường được nhìn thấy ở nơi này là loại xe thùng dài có sức chứa người và hàng, không có mui.
Và dù chở người hay chở hàng thì những chiếc xe lôi cũng đã nằm gọn trong "bảo tàng" ký ức của người Việt đã hơn chục năm nay.
Và có lẽ ít ai ngờ rằng hiện tại, ở miền Tây vẫn còn một thành phố xem xe lôi là phương tiện di chuyển quen thuộc, không những thế chúng còn được trang hoàng, có nhiệm vụ đưa - đón khách thập phương.
Thành phố duy nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn xe lôi chở khách
Cứ đúng 5 - 6 giờ chiều khi hoàng hôn vừa buông trên mặt biển, trước khi thành phố kịp sáng đèn, những chiếc xe lôi điện rực rỡ đã xếp thành hàng, ngay ngắn, trật tự rồi đảo một vòng quanh thành phố để chào mời khách.
Lời "chào mời" vui vẻ của các bác tài khiến cho bất cứ ai nghe thấy dù không phải là khách du lịch cũng bật cười, như vừa nghe được một chuyện vui.
"Xe hông em, xe sạc điện đầy rồi, đi chơi cho hết điện hông em?". Chúng tôi gọi đó là "những chiếc xe lôi vui vẻ", cứ hễ gặp là phải cười một cách hào sảng theo người lái chúng.
Vì bản chất là một dáng xe "tự chế" không được sản xuất công nghiệp nên những chiếc xe lôi không có chiếc nào là giống chiếc nào, một số nơi còn dựa vào đặc thù địa phương như "chở hàng hay chở khách du lịch" mà thiết kế hình dáng xe lôi cho phù hợp.
Chỉ có duy nhất điểm chung của mọi chiếc xe lôi thường có là một cái thùng phía sau.
Cái thùng này được lắp thêm vào xe sau đó sẽ được "kéo" hay "lôi" đi nên người miền Tây mới nôm na gọi là "xe lôi". Lòng thùng xe lôi thường được trưng dụng để chở hàng, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ đến nay thỉnh thoảng vẫn bắt gặp hình ảnh những bác tài thở hồng hộc giữa cái nắng oi ả để chở ve chai, hoặc đồ cũ.
Và nếu, để tìm hình ảnh xe lôi chở khách thì dù có "xẻ dọc" Đồng bằng sông Cửu Long, nếu chưa tới thành phố Hà Tiên (Kiên Giang), bạn cũng không thể gặp được. Đây là một trong những thành phố hiếm hoi còn sử dụng xe lôi như một phương tiện để chở khách và chuyên nghiệp hơn hết, địa phương này còn có hẳn một Câu lạc bộ Xe lôi.
Những chiếc xe lôi điện rực rỡ trong đêm ở thành phố Hà Tiên
Cứ đêm đến thành phố Hà Tiên lại rực rỡ ánh đèn từ những chiếc xe lôi
Đầu tư hàng chục triệu cho mỗi chiếc xe lôi
"Xe tôi cũng cả chục triệu đó, nội cái dàn xe trước không là hết 8 triệu hơn rồi", một anh tài xế dõng dạc nói về chiếc xe lôi của mình.
Để chạy được trơn tru ngoài đầu tư vào máy chạy, anh tài xế này cũng thiết kế chi tiết khung inox có mái che phía sau xe lôi, nhìn y hệt một chiếc xích đu. Bên trong nơi khách ngồi anh cũng không ngại lắp thêm ghế đệm - là ghế sofa được tái chế.
Thứ mà có lẽ khiến nhiều người ấn tượng nhất chính là những dây đèn led rực rỡ màu sắc, chớp nháy liên tục được gắn bo sát viền xe được làm inox sáng loé khi có đèn chiếu vào.
Mỗi một chiếc có mỗi thiết kế mui xe và thùng xe khác nhau, không chiếc nào giống chiếc nào, một số xe có tấm bạt che nắng mưa cho người ngồi sau, một số khách để "mui trần" thông thoáng, ấn tượng hơn một số xe còn có khung vòng như "xích đu di động", bên trong lắp thêm đệm ghế sofa và... wifi để phục vụ khách.
Theo quan sát tuỳ theo thiết kế và diện tích chứa của thùng xe mà các bác tài quyết định số khách có thể chở, có xe chở 2 người, có xe tối đa 5 người, tuỳ theo chiều cao mỗi người và quy định của ban quản lý (Sở GTVT TP và Chủ nhiệm CLB Xe lôi).
Giá của mỗi chuyến vi vu thông thường sẽ bắt đầu từ 15.000 đồng/chuyến/lượt, phụ thuộc vào độ xa, gần và số người đi mà các bác tài ra giá. Cứ như thế, vào đợt cao điểm du lịch, các bác tài kiếm được khoảng 100.000 đồng - 300.000 đồng/ngày.
Nhiều tài xế còn "chế tạo" ra động cơ cho xe đạp chỉn chu như một chiếc xe đạp điện...
Mỗi tài xế xe lôi là một "hướng dẫn viên"
Chúng tôi liên lạc với anh Nguyễn Hoàng Tuân (38 tuổi, Chủ nhiệm CLB Xe lôi TP. Hà Tiên), anh Tuân cho biết câu lạc bộ được thành lập chưa tròn một năm, tính từ thời điểm hiện tại, đã có 121 thành viên tham gia.
"Thấy anh em đông, xem chạy xe lôi như một cái nghề nên bên giao thông thành phố họ cho thành lập câu lạc bộ. Trước đây, tôi là dân phòng sau này tôi về chịu trách nhiệm quản lý chính các hoạt động cũng như các thành viên của câu lạc bộ", anh Tuân nói.
Theo anh Tuân, cứ ngày 2 buổi sáng và chiều, các thành viên của CLB Xe lôi sẽ tập kết đến bãi, xếp hàng và bắt đầu tản ra các cung đường đi tìm khách. Trên tinh thần tự nguyện, các thành viên trong câu lạc bộ sẽ có mỗi khung giờ chạy khác nhau.
"Chúng tôi niêm yết giá, có quy định, đồng phục, chế tài xử phạt hẳn hoi, số tiền anh em kiếm được họ tự giữ lấy chứ câu lạc bộ không thu đồng nào, quy định cũng không cho phép chặt chém khách. Nếu anh em muốn gia nhập thì làm đơn gửi lên bên giao thông họ duyệt, xe lôi phải đúng chuẩn quy định, được cấp phép, có đồng phục thì mới được chạy", anh Tuân nói.
Được biết, CLB Xe lôi còn có hẳn những quy định về an toàn hành khách, an toàn xe cơ giới. Đối với người vi phạm quy định khi phát hiện, ban quản lý lập biên bản xử phạt theo chế tài. Tài xế vi phạm quá 3 lần sẽ phải rời khỏi câu lạc bộ.
Để phục vụ du khách một cách "bài bản", chính quyền địa phương còn hỗ trợ mở các lớp tập huấn về du lịch, quy tắc ứng xử, giao tiếp, cung cấp sách vở giới thiệu về Hà Tiên cho các tài xế xe với hy vọng mỗi người đều là một hướng dẫn viên cho thành phố.
Dẫn lời chúng tôi, anh Tuân nói thêm về những "cần câu cơm" - là chiếc xe lôi rực rỡ mà các thành viên của Câu lạc bộ Xe lôi đang chạy:
"Anh em phải tự mua xe chuẩn bị. Nhiều người nghèo khó gom góp hết sức để mua con xe chạy chở khách kiếm cơm qua ngày. Có chiếc vài triệu, có chiếc 12 - 13 triệu. Miễn sao đúng với quy định ở trên thì tôi đều xin phép cho gia nhập câu lạc bộ.
Ban đầu chỉ có một hai người gắn đèn sau đó, thấy khách thích nên các anh em cũng truyền nhau mà gắn cho đồng bộ với các thành viên còn lại cũng là nét độc đáo trong thành phố".
Hầu hết các thành viên xin gia nhập CLB Xe lôi đều là những người trụ cột gia đình, lao động bằng sức mà vươn lên. Nhưng thay vì vất vả, nhễ nhại và cam chịu như ngày xưa, bây giờ họ tìm cách "sinh động hoá" những "cần câu cơm" của mình.
Việc trang trí độc lạ cho những chiếc xe lôi cũng là nhầm vào mục đích này, để thấy ngày nào họ cũng được vi vu phố phường, ngày nào cũng rót vào tai khách du lịch những bài sử ca về chính quê hương của mình, nghĩ đến đây thôi đã thấy nhẹ bẫng.