Hết làn sóng dịch này tới làn sóng khác, 2 năm quả thực lắm gian truân với đầy khó khăn, thách thức, gánh nặng của ngành Y tế suốt 2 năm qua vẫn tăng chứ chưa hề giảm đi. Và cuộc chiến này chưa bao giờ vắng những bóng dáng chiến sĩ áo blouse trắng, nhất là những bác sĩ ở tuyến cuối, nơi điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng nhất, nguy kịch nhất. Áp lực ở đây, chưa một giờ phút nào giảm nhiệt.
Từ những ngày đầu COVID-19 xuất hiện, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã luôn là nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng nhất. Hơn 2 năm qua, Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện, chưa từng trống bệnh nhân COVID-19. Dù ngày đông hay ngày hè, các bác sĩ ở đây vẫn phải khoác trên mình bộ trang phục bảo hộ kín bưng để bước vào những cuộc chiến liên hồi, giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người suốt 2 năm qua cùng đồng nghiệp của mình ở trong phòng ICU nhiều hơn ở nhà, tâm sự: "Số lượng bệnh nhân bây giờ rất là đông, 7 ngày mỗi tuần chúng tôi trực đủ 7 ngày không có ngày nghỉ. Hiện có gần 100 nhân viên y tế đang túc trực tại bệnh viện".
Mang trách nhiệm của người thầy thuốc, ưu tiên của họ, luôn là người bệnh, các y bác sĩ đành tạm gác lại cả những lo toan cho gia đình. Điều dưỡng Hà Thị Trang Nhung, Khoa Hồi sức tích cực, chia sẻ: "Mình xa nhà lần này đến giờ là gần 2 tháng rồi, nhưng chưa phải lần đi lâu nhất. Bình thường chúng mình đi 3 tháng mới về 1 tuần. Về thì việc đầu tiên là sắp xếp quần áo mùa mới cho con, vì lần sau về với con, thời tiết Hà Nội đã chuyển mùa rồi. Mỗi lần về, nhớ con lắm, 7 ngày chưa khỏa lấp nỗi nhớ thì lại đi tiếp rồi".
Những ngày này, khi dịch đang leo thang với số ca mắc tăng chóng mặt, áp lực của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương càng lớn. Vẫn chỉ ngần ấy con người, trong khi bệnh nhân nặng không có khả năng tự chăm sóc ngày càng tăng. Các bác sĩ liên tục phải căng mình, tập trung cao độ.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết thêm: "Căng thẳng nhất là nhiều bệnh nhân nặng, trong số đó có những người không qua khỏi...".
Còn với những điều dưỡng như chị Nhung, khó khăn ở chỗ: Bệnh nhân ở đây đều nằm 1 chỗ, toàn bộ phụ thuộc vào nhân viên y tế. Có bệnh nhân nặng cả 100 kg, mà vẫn phải bế, đỡ. Có những bệnh nhân phải vệ sinh cho họ mỗi ngày rất nhiều lần, không thì họ lại bị viêm loét. Nhiều hôm làm 8 tiếng nhưng 8 tiếng liên tục, không nghỉ chút nào.
"Nhiều lúc nghĩ mệt quá, hay bỏ việc. Nhưng đấy là nghĩ thế thôi, nhưng nhìn bệnh nhân lại nghĩ, mình mệt làm sao bằng họ, họ đang nằm kia còn mệt mỏi hơn mình!" - chị Nhung tâm sự.
Từ những ngày đầu tiên cho đến bây giờ, khi cả nước vào giai đoạn linh hoạt, thích ứng an toàn với COVID-19, nhiều ngành nghề đã ít nhiều "dễ thở" hơn. Nhưng ở nơi tuyến cuối điều trị COVID-19, mặt trận ấy vẫn nóng như lửa cháy. Nhưng tất cả y, bác sĩ ở đây, chưa ai từng bỏ cuộc. Các anh, các chị, đã, đang và sẽ tiếp tục kiên cường chiến đấu, vì bình an, vì sự sống của người bệnh, vì sức khoẻ nhân dân.