Sau kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội khóa XIII, nhiều luật mới và các bộ luật sửa đổi đã được thông qua.

Nghỉ sinh 6 tháng

Những chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2013 1
Hàng triệu sản phụ sẽ có thêm thời gian chăm con.

Ngày 1/1/2013 sẽ bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, quy định tại Nghị định 103/2012/NĐ-CP. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng cao nhất là 2,35 triệu đồng/tháng. Về việc phân chia vùng lương hiện vẫn không có sự thay đổi so với quy định cũ.

Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dù có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng trong Điều 250 lại quy định: Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 01 tháng 5 năm 2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Do đó, lao động nữ có thai mà dự sinh trước ngày 01/05/2013 có thể an tâm nghỉ thai sản mà vẫn được áp dụng chế độ nghỉ 6 tháng.

Thắt chặt nội dung quảng cáo

Luật Quảng cáo quy định: Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo được quy định trong Luật bao gồm thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan Nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.

Nghĩa vụ của người quảng cáo được quy định trong luật, ngoài việc cung cấp các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác, còn phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo; đồng thời phải chịu trách nhiệm về các thông tin đó.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Những chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2013 2

Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng.

Luật Giáo dục đại học quy định bốn vấn đề mới cơ bản, gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.

Luật có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.

Luật Phòng,chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Việc ban hành Luật cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền.

Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền. Các quy định của Luật cũng áp dụng đối với việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.

Áp dụng phí sử dụng đường bộ

Những chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2013 3

Từ 1/1/2013 bắt đầu áp dụng thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện.

Từ 1/1/2013 sẽ bắt đầu áp dụng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện, bảng phí cụ thể được quy định tại Thông tư 197/2012/TT-BTC. Theo đó mức phí đối với xe ô tô, xe tải từ 1,56 triệu đến 12,48 triệu đồng/năm, mức phí đối với xe máy là từ 50 nghìn đến 150 nghìn đồng/năm.

Một điều cần lưu ý, đối với các hành vi trốn phí, ngoài việc bị truy thu sẽ còn bị phạt với mức phạt khá cao: Xe máy từ 800 nghìn – 1,2 triệu đồng; xe ô tô từ 6 – 10 triệu đồng.

Doanh nghiệp tự định giá

Những chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2013 4

Với các mặt hàng thiết yếu, khi có biến động lớn về giá, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn...

Từ 1/1/2013, chính thức áp dụng Luật Giá 2012, thay thế cho Pháp lệnh Giá. Theo đó, nhà nước sẽ không còn thực hiện việc áp đặt giá đối với các mặt hàng trên thị trường mà sẽ để cho doanh nghiệp tự định đoạt. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng, dầu...), khi có biến động lớn về giá, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Ba biện pháp bình ổn giá sẽ được áp dụng là: Điều tiết hàng hóa; lập quỹ bình ổn giá; các biện pháp tiền tệ, tài chính. Một nội dung khác cũng cần quan tâm đến là việc bình ổn giá từ ngày này sẽ chỉ còn áp dụng đối với các mặt hàng thật sự thiết yếu với đời sống như sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thóc, gạo tẻ bình thường… (trước đây nhà nước quản lý về giá với mọi loại sữa, thóc, gạo tẻ).