Khi các ông chủ trừng trị nữ nhân viên trộm cắp bằng cách... quay clip
Vụ cô gái mới đi làm 10 ngày tại quán cà phê nhưng đã trộm tiền đến 4 lần, sau đó bị chủ quán quay lại clip đăng lên MXH khiến cộng đồng mạng chưa hết xôn xao.
Theo đó, do thấy doanh số trong máy tính và tiền mặt thu được tại quán bị chênh lệch nên anh N.M.T - chủ quán cà phê ở Hà Nội - đã kiểm tra camera an ninh và phát hiện được số tiền bị mất là do cô nhân viên mới ăn trộm.
Nam chủ quán "chất vấn" cô gái trẻ vì đã ăn trộm tiền tới 4 lần sau 10 ngày làm việc - Ảnh cắt từ clip.
Quyết xử lý cho ra nhẽ, anh T. gọi cô nhân viên đến rồi cho cô này xem đoạn clip từ camera ghi lại cảnh trộm tiền, sau đó liên tục lớn tiếng "chất vấn", yêu cầu cô gái trẻ phải trả lại toàn bộ số tiền đã lấy nếu không thì sẽ báo công an.
Đồng thời, nam chủ quán cũng không quên nhờ người quay lại clip cảnh anh này "xử lý" nữ nhân viên kia, quay lại thẻ sinh viên và giấy tờ tùy thân của cô, sau đó đăng tải lên Facebook "vạch mặt".
Chủ quán quay lại clip cận mặt và giấy tờ của cô gái sau đó đăng lên MXH - Ảnh cắt từ clip.
Đây không phải là trường hợp hiếm thấy bởi trước đó, nhiều cô gái khác cũng bị bắt quả tang khi đang lén trộm đồ, sau đó bị quay lại clip đưa lên mạng xã hội.
Trước đó, vào khoảng cuối tháng 4/2017, chủ 1 shop thời trang tại Hải Phòng cũng đăng tải lên MXH clip anh này quát mắng, thậm chí dùng tay tát vào mặt 1 cô gái trẻ do cô này đã "cả gan" ăn trộm tiền trong ngày đầu tiên đi làm.
Theo đó, kiểm tra camera an ninh của cửa hàng, người chủ phát hiện nữ nhân viên lấy trộm tiền 2 lần, một lần 50.000 đồng, lần sau là 200.000 đồng.
Cô gái trẻ bị chủ shop tát nhiều cái vào mặt. Ảnh cắt từ clip.
Nam chủ quán cho biết, ban đầu anh đã không có ý định thuê cô gái này, tuy nhiên do thương cảm trước hoàn cảnh khó khăn, anh và vợ quyết định thuê, còn đối xử rất tốt. Sau khi phát hiện sự việc, anh đã rất tức giận, phần khác thái độ của cô gái trẻ lại bất hợp tác nên anh mới phải quát mắng, tát như vậy.
Ngoài ra, 1 vụ việc tương tự cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao hồi đầu năm. Cô gái trẻ vào 1 cửa hàng quần áo, lén ăn trộm một chiếc chân váy trong lúc thử đồ nhưng lại bị phát hiện. Sau đó, dù cho cô gái đã xin lỗi, nhưng nam thanh niên chủ cửa hàng vẫn quyết định quay livestream hình ảnh của cô và đưa lên Facebook.
Cô gái ăn trộm đồ tại cửa hàng quần áo bị chủ livestream "vạch mặt" - Ảnh cắt từ clip.
Chủ cửa hàng chia sẻ trong clip rằng: Cô gái trẻ này đã tới cửa hàng của anh lấy trộm rất nhiều lần, thậm chí, từ ba năm trước, cô cũng từng ăn trộm đồ ở một cơ sở khác do anh làm chủ. Do vậy, anh chị chủ cửa hàng muốn đưa hình ảnh của cô lên Facebook vừa để cảnh cáo lần cuối, vừa để lưu ý các cửa hàng khác đề phòng trường hợp này.
Trộm cắp rất đáng lên án, nhưng không phải ai cũng đồng tình với "bị hại"
Khi đăng tải những đoạn clip "vạch mặt" đối tượng trộm cắp, "khổ chủ" thường xuất phát từ mong muốn cho kẻ "tội đồ" kia một bài học nhớ đời, đồng thời nhắc nhở mọi người cảnh giác trước những đối tượng, tình huống tương tự.
Phản ứng trước những đoạn clip "nghìn view" ấy, nhiều người dùng mạng rất ủng hộ, đồng thời dành đủ lời lẽ để chê trách, "ném đá" cô gái trộm cắp. Đa số đều suy nghĩ, những cô gái kia đều còn trẻ, rất trẻ, thậm chí nhiều cô còn có học thức khá cao,...với những điều kiện như thế, họ hoàn toàn có thể lao động chân chính rồi kiếm tiền. Việc chờ chực rồi trộm cắp dựa trên sức lao động của người khác là không thể chấp nhận được.
Chủ quán đăng tải clip cùng những lời bức xúc lên MXH - Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều người khác lại cho rằng việc "đăng đàn" ầm ĩ như thế sai cả về tình, về lý.
"Quả thật khi tiền và tài sản của mình bị trộm cắp thì ai cũng rất tức giận. Tuy nhiên, khi mà tiền cũng đã đòi lại được rồi, sự bực tức cũng đã vơi đi, những người đăng clip lên MXH có tự hỏi cô gái kia đã mất những gì sau một vài lần phạm lỗi? Đó là thể diện, là danh dự, là cái bước chân ra đường gặp mặt mọi người. Khi những điều ấy mất đi, liệu các cô gái trẻ có thấm thía được "bài học" mà đứng dậy không, hay đây lại là khởi điểm cho chuỗi trượt dài bởi những mặc cảm, xấu hổ?", một tài khoản tên H.H bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, nhiều người cho rằng có rất nhiều cách để răn đe nạn trộm cắp nhưng không phải bằng cách quay clip, soi từng chứng minh thư của kẻ trộm đưa lên bêu rếu trên mạng xã hội. "Mình nghĩ cách giải quyết tốt nhất trong những trường hợp này là đưa ra công an phường để viết tường trình, kiểm điểm. Những vụ quay clip, bêu tên, mặt mũi lên như thế này chỉ trừ tội phạm có mức độ nghiêm trọng thôi. Còn những ai trót sai lầm mình nghĩ nên cho người ta một cơ hội mới".
Luật sư: "Người quay clip đăng lên MXH vô tình vi phạm pháp luật"
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Luật sư Thơm cho biết, việc những người bị lấy trộm tài sản bắt được người trộm sau đó đánh đập, rồi quay clip lên mạng xã hội một phần xuất phát từ sự bức xúc, không kiềm chế được bản thân của người bị mất trộm.
Tuy nhiên việc làm này có thể khiến người đăng tải clip vô tình vi phạm pháp luật. Bởi, với hành vi này, dù người bị trộm tài sản không đủ căn cứ để bị xử phạt tội làm nhục người khác, nhưng rất có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi đưa thông tin, hình ảnh trái phép.
"Trong những vụ việc như thế này, rõ ràng nạn nhân đã vi phạm pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản nên người chủ tài sản đánh đập, quay clip tung lên mạng xã hội dù sai nhưng không bị truy cứu hành vi làm nhục người khác vì không đủ căn cứ. Tội làm nhục người khác là việc đưa hình ảnh thông tin người không làm sai quy định pháp luật nhằm mục đích hạ thấp danh dự, uy tín của người này.
Trong những trường hợp này có thể xử phạt người tung clip hình ảnh lên mạng xã hội về hành vi đưa thông tin hình ảnh trái phép, hành vi này bị xử phạt hành chính", ông Thơm cho biết.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Thơm cho biết, lẽ ra trong những tình huống như thế này, người bị mất tài sản cần bình tĩnh xử lý. Nếu xét thấy người vi phạm ăn năn hối lỗi, hai bên cần ngồi lại làm hòa với nhau. Còn nếu như, không thể hòa giải cộng thêm số tài sản mình bị mất quá lớn, người chủ tài sản có thể yêu cầu trả, bồi thường thiệt hại đúng với số tài sản mà mình đã bị lấy trộm. Cuối cùng, nếu hai bên không thể giải quyết được, người chủ tài sản viết đơn tố cáo gửi công an để được giải quyết theo quy định.
"Cách giải quyết tốt nhất là làm đơn tố cáo với công an, không nên đánh đập, tung clip lên mạng xã hội để dằn mặt. Bởi pháp luật đã nghiêm cấm dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, nếu người chủ tài sản không kiềm chế được bản thân mà đánh đập người trộm tài sản của mình mà gây thương tích sẽ bị xử lý hình sự. Kèm theo đó, nếu tung clip lên mạng xã hội sẽ bị xử lý về tội đưa thông tin trái phép, không được người khác đồng ý. Như vậy việc đánh đập, tung clip người trộm đồ của mình lên mạng xã hội chẳng khác gì tự đưa mình vào vòng lao lý.
Đối với những trường hợp có hành vi trộm cắp vặt như thế này, đối tượng thường đang ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức còn hạn chế, mức độ vi phạm còn nhẹ.
Vì thế nên cho họ cơ hội sửa sai, đưa hình ảnh họ lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Mạng xã hội bây giờ rất phức tạp, nó có thể đưa một người lên mây xanh nhưng cũng dễ dàng đẩy một người xuống vực thẳm", luật sư Thơm phân tích.