Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kì cho tới khi sinh, siêu âm 2 chiều cũng có thể giúp mẹ bầu thấy rõ được những hình ảnh của em bé trong bụng.
Những đặc điểm của thai nhi sẽ được bác sĩ chú ý hơn qua siêu âm bao gồm:
Đầu
Siêu âm giúp bác sĩ xác định tình trạng của xương sọ, cấu trúc não, số đo vòng đầu... để thấy có bất thường hay không. Các bất thường về đầu thai nhi gồm có bất thường hình thái, cấu trúc não bộ. Các bất thường vùng mặt thai nhi: sứt môi, khe hở vòm miệng, mũi vòi voi, các khối u vòm mặt.
Não
Não
Các bác sĩ sẽ đánh giá khoảng trống chứa đầy chất lỏng trong não và hình dạng của tiểu não (nằm ở mặt sau của não). Nhờ siêu âm mà bác sĩ có thể phát hiện ra u nang nằm trong đám rối màng mạch – là một mô trong não sản xuất ra dịch não tủy.
U nang ở thai nhi cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các nhiễm sắc thể bất thường, nhưng phần lớn các u nang này sẽ biến mất khi thai kỳ được 28 tuần tuổi và không ảnh hưởng gì đến em bé.
Mặt
Sẽ rất khó phát hiện nếu thai nhi bị sứt ở vị trí vòm miệng (hở hàm ếch). Theo các bác sĩ chuyên khoa, sứt môi và hở hàm ếch thường được phát hiện ở tháng thứ tư của thai kỳ. Nếu xác định em bé bị sứt môi trong khi siêu âm, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp y học hiện đại để xử lý cho em bé trước khi sinh.
Tim
Khuyết tật tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu của dị tật bẩm sinh và dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Chuẩn đoán trước khi sinh có thể giúp mẹ bầu chuẩn bị tâm lý và có sự chăm sóc thai kì tốt nhất. Dưới đây là những câu hỏi quan trọng các mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ khi siêu âm:
- Có nhìn thấy 4 ngăn của tim không?
- Tim và dạ dày có ở vị trí đúng không (Cả hai cơ quan này thường nằm ở bên trái của thai nhi)?
- Nhịp tim có bình thường không? (Nhịp tim bình thường với thai nhi là trong khoảng 120-180 nhịp/phút).
- Chức năng tim có bình thường không?
- Các cơ có làm việc bình thường không?
Qua những lần siêu âm, bác sĩ có thể thấy
được một số bất thường về tim và phổi của trẻ như: Dị dạng tim, giãn tim toàn
bộ, bất thường kich thước của buồng tim và các mạch máu lớn: động mạch chủ,
động mạch phổi, các khối u tim, tràn dịch màng phổi, tắc thanh quản…
Cột sống
Cột sống của em bé sẽ được đánh giá qua một mặt cắt. Các bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng các đốt sống ở cột sống của thai nhi có sự liên kết với nhau và có lớp màng bao quanh cột sống. Bất kì bất thường nào ở cột sống cũng có thể thấy được qua siêu âm.
Các cơ quan khác
Quá trình siêu âm cũng giúp bác sĩ quan sát dạ dày, thành bụng và cơ hoành của em bé để xem có bất thường nào không. Siêu âm cũng là cách để kiểm tra xem hai thận và bàng quang của em bé có hoạt động tốt không.
Quan sát tổng thể
Các bác sĩ siêu âm sẽ kiểm tra vị trí nhau thai của bạn, đặc biệt là nhau tiền đạo. Dây rốn sẽ được kiểm tra để xác định xem nó có đi vào vùng bụng bình thường không. Siêu âm cũng sẽ xác định được trong giai đoạn này nước ối của bạn có đủ để em bé đủ “vùng vẫy” trong bụng mẹ không. Những bất thường nước ối: Đa ối, thiểu ối, vách ngăn màng ối đều là những tình trạng không tốt, gây ảnh hưởng đến thai nhi, ví dụ như màng ối quấn vào tay, chân hoặc ngón tay, ngón chân thai nhi...