Sinh thêm con là chủ đề khá nóng đối với hội các bà mẹ đã xong con đầu lòng. Bởi đâu chỉ đơn giản nói miệng muốn sinh là sinh ngay được đâu, mẹ cũng cần chuẩn bị kiến thức và sức khỏe thật tốt để tiếp tục đón thêm thành viên nhỏ mới. Bác sĩ Christopher Chong, chuyên gia kiêm cố vấn sản-phụ khoa (bệnh viện Gleneagles, Singapore) cho hay: "Việc mang thai lần đầu có thể để lại những tác động xấu tới sức khỏe người mẹ, vì vậy mẹ cần thời gian để cơ thể hồi phục và chữa lành những vết thương sau khi sinh lần đầu. Lời khuyên của tôi dành cho các mẹ đó là hãy để cơ thể nghỉ ngơi ít nhất 1 năm trước khi có ý định mang thai lần 2".
Không chỉ đơn giản bằng việc nói đã sẵn sàng mà mẹ cần chuẩn bị một sức khỏe thật tốt để sinh thêm em bé (Ảnh minh họa)
Quãng thời gian 12 tháng để cơ thể nghỉ ngơi rất quan trọng vì mẹ có thể tập trung vào việc chăm sóc và cho con đầu bú mẹ. Hơn nữa, thời gian nghỉ này sẽ giúp chữa lành các vết thương như rách tầng sinh môn hay sẹo mổ trên cơ thể mẹ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách giữa các lần mang thai ít hơn 18 tháng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân và ảnh hưởng tới sức khỏe chung của trẻ.
Vậy làm thế nào để biết thời điểm cơ thể mẹ đã sẵn sàng cho việc mang thai và sinh con thêm lần nữa, mẹ hãy tham khảo ngay 3 tiêu chí đánh giá cụ thể sau đây:
Hormone ổn định
Các hormone thai kỳ như estrogen và progesterone cần một khoảng thời gian để ổn định sau khi người mẹ mang thai và sinh con đầu lòng. Những loại hormone này chịu trách nhiệm kiểm soát quá trình rụng trứng, một bước quan trọng quyết định tới khả năng sinh sản tiếp theo.
(Ảnh minh họa)
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Sản-Phụ khoa Peter Chew (Singapore), nếu mẹ vừa mới cai sữa cho bé lớn hoặc dừng uống thuốc tránh thai thì nên đợi sau từ 2-3 chu kỳ kinh nguyệt trước khi mang thai lần 2 bởi lúc đó hệ thống nội tiết tố trong cơ thể sẽ ổn định hơn. Do đó, việc thụ thai sẽ thuận lợi và dễ thành công hơn.
Cân nặng phù hợp
Việc thụ thai có thể là một thách thức nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) của người mẹ không nằm trong phạm vi an toàn, khỏe mạnh. Chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp có thể làm tăng khả năng vô sinh thứ phát. Để tính chỉ số BMI, mẹ làm theo công thức:
* Chỉ số BMI dưới 18,5: Hơi gầy
* Chỉ số BMI từ 18,5 - 22,9: Bình thường
* Chỉ số BMI từ 23 - 27,4: Thừa cân
* Chỉ số BMI từ 27,5 trở lên: Béo phì
Phụ nữ gầy, thiếu cân có thể có ham muốn tình dục thấp hơn và tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân. Phụ nữ béo phì có nhiều khả năng mắc Hội chứng buồng trứng đa nang, sảy thai, suy giảm sự phát triển của thai nhi và tiểu đường thai kỳ. Vậy nên, mẹ hãy lưu ý việc duy trì cân nặng phù hợp và giữ một vóc dáng khỏe mạnh bằng cách tập thể dục, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh khi muốn có thai.
Cân nặng hợp lý sẽ giúp mẹ thụ thai thuận lợi và thai nhi phát triển tốt (Ảnh minh họa)
Không mắc bệnh mãn tính
Mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe hiện tại để cân nhắc việc mang thai, nhất là một số bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và hen suyễn, bởi có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ. Với người mẹ trên 40 tuổi sẽ có nhiều khả năng bị huyết áp cao và tiểu đường khi mang thai. Vậy nếu mắc các bệnh mãn tính hoặc nằm trong độ tuổi nguy cơ cao, mẹ hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và có phương án phù hợp.
Bác sĩ Chong lưu ý mỗi lần mang thai sẽ không giống nhau cho dù vẫn là cơ thể của người mẹ đó. Mẹ không nên có suy nghĩ áp đặt lần đầu như thế nào và lần hai sẽ ra sao. Các chuyên gia, bác sĩ đưa ra một số lời khuyên chung cho các mẹ mang thai lần 2 như sau:
- Các mô bụng có thể đã bị giãn căng quá mức trong lần mang thai đầu tiên khiến bụng như bị chảy xệ ở lần 2. Mẹ có thể phải đeo đai bụng để đỡ bụng khi mang thai lần 2.
- Vì thành bụng lỏng lẻo, nên lần mang thai sau sẽ dễ phát hiện, nhận ra hơn. Mẹ cũng sẽ cảm nhận bé chuyển động sớm hơn so với bé đầu.
- Mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn khi vừa mang thai lại vừa trông con lớn. Vì vậy mẹ hãy chuẩn bị tâm lý và cả thể chất, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía gia đình.
- Mẹ sẽ cảm nhận các cơn co thắt rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong suốt thai kì.
- Thời gian chuyển dạ và sinh bé diễn ra nhanh hơn và ngắn hơn.
Nguồn: Parent