Những điều bạn cần biết khi mang thai đôi CTV Ngọc Diệp Theo VOV Từ lúc thụ thai đến lúc lâm bồn, thai đôi có nhiều điểm khác nhau so với thai thường. Cả mẹ và bé đều cần được theo dõi cẩn thận để tránh các biến chứng ngoài ý muốn. Sinh đôi khác trứng: Sinh đôi khác trứng là khi hai tinh trùng thụ tinh hai trứng khác nhau cùng một lúc. Hai bào thai sinh đôi khác trứng có nhau thai và màng ối tách biệt. Trẻ sinh đôi khác trứng thường không giống hệt nhau và có thể khác giới tính. Sinh đôi cùng trứng: Trái với sinh đôi khác trứng, sinh đôi cùng trứng là khi một tinh trùng thụ tinh một trứng duy nhất; hợp tử sau đó sẽ phân đôi, mỗi nửa phát triển thành một bào thai giống hệt nhau. Trẻ sinh đôi cùng trứng luôn luôn thuộc cùng một giới tính. Tùy thời điểm hợp tử phân tách mà hai bào thai có thể có nhau thai và màng ối tách biệt hoặc cả hai cùng chung một màng ối hoặc chung nhau thai. Sinh đôi dính liền: Khi một hợp tử không thể phân đôi hoàn toàn, cặp sinh đôi sẽ bị dính liền nhau. Hai thai nhi có thể dính liền nhau ở phần ngực, gốc cột sống, cột sống, vùng chậu, đầu, hoặc đầu và ngực. Hội chứng truyền máu song thai: Một biến chứng nghiêm trọng mà các cặp song thai cùng nhau thai là hội chứng truyền máu song thai (TTTS). Nếu các mạch máu ở nhau thai phân bổ không đều, một thai nhi sẽ nhận được nhiều máu hơn. Thai nhi cho máu sẽ phát triển kém hơn. Thai nhi nhận máu có nguy cơ suy tim do khối lượng máu quá lớn. Nguyên nhân dẫn đến thai đôi: Chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến việc mang thai đôi cùng trứng. Mỗi phụ nữ khi mang thai có xác suất mang thai đôi cùng trứng là 1/250. Mặt khác, nếu gia đình người mẹ có tiền sử thai đôi khác trứng, hoặc nếu sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, khả năng mang thai đôi khác trứng sẽ cao hơn. Siêu âm và xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Siêu âm và xét nghiệm sàng lọc trước sinh là một thao tác vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các trường hợp thai đôi. Các thao tác này giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh hoặc biến dị nhiễm sắc thể. Dinh dưỡng: Phụ nữ mang thai đôi cần ăn thêm 600 calo/ngày so với lúc chưa mang thai, tức gấp đôi lượng phụ nữ mang thai con một nên ăn. Thai phụ cũng cần bổ sung nhiều sắt, vitamin và axit folic hơn. Chuyển dạ và sinh nở: Quá trình chuyển dạ của thai phụ mang thai đôi cũng giống như thai phụ thông thường, nhưng quá trình sinh nở lại phức tạp hơn. Hầu hết các ca sinh đôi đều phải dùng phương pháp mổ. Dù trẻ đầu được sinh bằng đường âm đạo, bác sĩ vẫn có thể phải mổ để đưa trẻ thứ hai ra ngoài. Sinh non: Chuyển dạ trước tuần thứ 37 là dạng biến chứng phổ biến nhất ở thai phụ mang thai đôi. Bác sĩ có thể kê thuốc để đẩy nhanh sự phát triển phổi hoặc để giảm nguy cơ bại não ở thai nhi sinh non trong khoảng 24-32 tuần. Người mẹ cũng có thể được kê thuốc để giảm co thắt tử cung tạm thời. Tiểu đường thai kỳ: Thai phụ mang thai đôi cũng dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hơn. Mọi thai phụ nên đi khám sàng lọc trong khoảng từ tuần thứ 24- 28 của thai kỳ. Nếu mắc tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần theo dõi mức glucose trong máu và kiểm soát chế độ ăn uống, tập luyện sát sao./. Mẹ bỉm 3 con sở hữu vóc dáng "vạn người mê" bật mí cách giảm cân sau sinh mổ Theo VOV Copy linkLink bài gốc Lấy linkhttps://vov.vn/suc-khoe/nhung-dieu-ban-can-biet-khi-mang-thai-doi-841883.vov 0 Chia sẻ Sao chép link Tags: trẻ sinh đôi