Lựa chọn và bảo quản
- Khi lựa tỏi, bạn nên chọn những củ có lớp vỏ ngoài bám dính tốt vào nhánh tỏi, không nên chọn những củ có lớp vỏ xốp, không dính. Đặc biệt tránh những củ tỏi đã mọc mầm xanh.
- Trong quá trình bảo quản, nếu củ tỏi của bạn bị mọc mầm, bạn vẫn có thể sử dụng được - chỉ cần loại bỏ lõi mầm xanh là được. Mầm tỏi có chứa độc tố đối với cơ thể và ngoài ra nó còn gây vị đắng khi bạn chế biến thức ăn.
- Bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không khí ẩm sẽ khiến tỏi mọc mầm hoặc bị thối, mốc.
- Tỏi xắt lát có thể được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tới 5 tuần với điều kiện bạn cho chúng vào hộp đậy kín; điều này cũng đúng với tỏi đã bóc vỏ.
Chế biến
- Trong các công thức nấu ăn, nếu bạn thấy 1 thìa cà phê tỏi bằm có nghĩa là 1 nhánh tỏi cỡ trung bình được bằm nhỏ; và 1 thìa canh tỏi bằm tương đương với 3 nhánh tỏi cỡ trung bình.
- Nếu muốn món ăn dậy mùi tỏi, bạn nên bằm nhỏ hoặc nghiền nhuyễn tỏi trong dụng cụ ép thay vì xắt lát chúng.
- Có một lớp vỏ tỏi mỏng dính sát với lõi của tỏi; nếu dùng dụng cụ ép tỏi bạn không cần thiết phải loại bỏ lớp vỏ mỏng này trước khi ép tỏi.
- Khi phi thơm tỏi, tốt nhất bạn nên cho tỏi vào chảo dầu khi chảo còn chưa nóng và để tỏi nóng dần lên theo nhiệt độ của chảo; việc này tránh cho tỏi khỏi bị cháy - khiến cho món ăn có vị đắng.
- Mùi vị của tỏi trở nên dịu hơn khi tỏi được nấu với các món súp, hầm; thời gian nấu càng lâu thì mùi tỏi càng dễ chịu.
- Muốn làm dịu mùi tỏi trong các món trộn, gỏi hay nước chấm, bạn có thể chần tỏi đã bóc qua nước sôi rồi mới tiếp tục bằm nhỏ hoặc xắt lát.
- Để loại trừ hoàn toàn mùi tỏi ra khỏi hơi thở của bạn một cách hiệu quả, hãy nhai một cọng rau mùi tây hoặc một hạt cà phê.
- Nếu sau khi chế biến đồ ăn mà tay bạn bị bám đầy mùi tỏi, hay rửa tay với ít nước cốt chanh; hoặc đơn giản hơn - hãy cọ xát tay bạn vào đáy một chiếc thìa inox dưới vòi nước đang chảy một lúc, mùi tỏi sẽ được khử sạch hoàn toàn.